Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Truyền thống ấy luôn được mỗi người gìn giữ phát huy. Đó chính là sợi chỉ đỏ quyết định mọi thắng lợi của dân tộc.

 

Lòng yêu nước là một nét đặc sắc trong văn hóa lâu đời của nước ta, nó được thể hiện từ xưa đến nay và đi sâu vào từng hành động, ý nghĩ của mỗi con người.  Lòng yêu nước là yêu tất cả những gì tốt đẹp, yêu thiên nhiên muôn hình vạn trạng, yêu bầu trời trong xanh, yêu đàn chim bay lượn, yêu cả những dòng sông thân thương hay gần gũi nữa là yêu những chiếc lá mỏng manh. Nói cho cùng thì tinh thần yêu nước nó xuất phát từ ý chí, sự quyết tâm phấn đấu, xây dựng Tổ quốc, tình yêu thương và cả niềm hi vọng. Tinh thần yêu nước bao gồm cả nhiều tình yêu khác: tình yêu gia đình, quê hương, tình yêu con người. Nó được bộc lộ ở mọi lúc mọi nơi, mọi cá nhân, bất cứ nơi nào có người dân Việt Nam sống thì đó sẽ mãi là ngọn lửa, là chồi non của tinh thần yêu nước Việt Nam.

 

Lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc, tinh thần yêu nước được bộc lộ rõ nhất ở các tấm gương anh hùng như Hai bà Trưng, Bà triệu, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải v.v. Rồi đến thời kì cả nước tiến hành công cuộc kháng chiến chống hai đế quốc là Pháp và Mĩ, cả dân tộc vượt mọi khó khăn, gian khổ để cùng đứng lên giành độc lập dân tộc. Ở hậu phương  thì không ngừng tăng gia sản xuất, chắt chiu lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường. Lòng yêu nước ở thời kì này là một tình cảm quyết liệt mà mạnh liệt. Có nhiều câu nói đã  thể hiện được tinh thần đó như trong kháng chiến chống Pháp: “ Gan không núng, chí không mòn” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu); “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”  hay “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Từ hậu phương đến tiền tuyến đều một lòng giành độc lập dân tôc: “ Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”; “Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó thì chưa rõ mình” (Tố Hữu).

 

Lịch sử đã ghi danh biết bao người con anh dũng ngã xuống cho đất nước. Họ là  những tấm gương hi sinh anh dũng cho độc lập dân tộc: Tô Vĩnh Diện, Phát Đình Giót, Võ Thị Sáu, Kim Đồng, Nguyễn Đức Cảnh,  Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… Sức mạnh của lòng yêu nước trở nên vô cùng to lớn, như Bác Hồ đã nói: “Lòng yêu nước có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”.

 

Khi đất nước độc lập, hòa bình, cả dân tộc ta bước vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển. Xã hội ngày một tiến lên, mọi thứ đã thay đổi nhiều, chỉ riêng tấm lòng yêu nước của mỗi cá nhân vẫn không bị phai nhạt. Trong cuộc sống những tư tưởng, việc làm giúp phát triển kinh tế nước nhà, phần nào minh chứng cho tinh thần yêu nước. Từ những người nông dân chân lấm tay bùn vẫn chất phác như ngày nào làm ra hạt lúa, hạt gạo phục vụ nông nghiệp, đời sống mỗi cá nhân. Hay những người bác sĩ tận tình giúp đỡ bệnh nhân, những nhà giáo vẫn miệt mài dạy trẻ, những chiến sĩ canh gác ngoài biên cương, biển đảo… đó cũng là cử chỉ của tấm lòng nhân hậu, đức hy sinh vì nghĩa lớn, tình yêu thương mọi người,  nói rộng hơn đó chính là tinh thần yêu nước. Những nhà chính trị học, bác học, thành quả của họ cũng bởi tinh thần yêu nước mà ra. Thậm chí mỗi một hành động nhỏ cũng là một phần đóng góp cho tư tưởng cao đẹp ấy. Ý thức của mỗi con người là điều được bộc lộ rõ nhất.

 

Với thế hệ trẻ hiện nay, trong đó, đặc biệt là bộ phận học sinh- sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước của mình. Đó không cần phải là những việc làm to tát, mà là những việc bình dị hàng ngày. Biểu rõ rệt và giá trị nhất đối với mỗi học sinh đó là thành tích trong học tập cũng như các hoạt động khác do nhà trường hay các đoàn thể khác phát động, tổ chức. Lòng  yêu nước được thể hiện không phải bằng lời nói mà bằng những hành động đã giúp ích cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Tham gia tích cực các đợt hưởng ứng phong trào như chống nạn ma tuý, tuyên truyền giữ gìn môi trường, tránh xa tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, hiến máu nhân đạo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.  Những chương trình tìm hiểu đất nước, lịch sử để hiểu biết, bảo vệ giữ gìn phát huy những di sản văn hóa đa chiều của đất nước. Yêu nước xét cho cùng là yêu những việc bình dị trong đời thường.

 

Để các em có dịp thể hiện được tình yêu nước của mình thì trước hết phải giáo dục ý thức, khơi dậy được tình yêu nước cho thế hệ trẻ. Muốn làm được điều đó, trước hết, về phía bản thân các em phải có ý thức học và làm nhiều việc tốt để trở thành những con ngoan trò giỏi, sống giản dị, chấp hành pháp luật, tôn trong và gìn giữ văn hóa dân tộc, như tiếng nói, ngôn ngữ, chữ viết, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái ác, bảo thủ, lạc hậu…Song song với điều đó, các em cũng phải thường xuyên nghe, nhìn, đọc, tìm hiểu những tấm gương người tốt qua sách báo hay các phương tiện nghe nhìn để bồi đắp cho mình những tin tức, phương pháp học tập hay lao động cho hiệu quả, để bản thân các em có trở thành người tử tế.

 

Bên cạnh đó, việc để cho các em phát huy được lòng yêu nước của mình thì gia đình, trong đó, bố mẹ phải thường xuyên dạy bảo, nhắc nhỏ các em làm những việc tốt, phấn đấu rèn luyện trong học tập. Ngoài ra, Nhà trường cũng là môi trường giáo dục lòng yêu nước cho các em, các đoàn thể trong trường, đặc biệt là Đoàn thanh niên cần tổ chức các sân chơi tìm hiểu lịch sử nước nhà, hay tổ chức các diễn đàn để các em có cơ hội tìm hiểu lịch sử dân tộc một cách đầy đủ. Các thầy cô giáo, trong những giờ dạy học của mình cũng cần thường xuyên ý thức việc lồng ghép những câu chuyện người tốt việc tốt để tác động đến nhận thức, tình cảm của các em. Để việc giáo dục này hiệu quả thì thầy cô giáo cũng phải là tấm gương mẫu mực trong lối sống, tư tưởng, quan điểm lành mạnh, mô phạm, cống hiến để dạy bảo thế hệ sau ở mọi hoàn cảnh, mọi tình huống.

 

Lòng yêu nước là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đúng như nhận định của GS. Trần Văn Giàu: “Tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Yêu nước trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam”. Muốn cho giá trị này được phát huy mạnh mẽ nhất, thế hệ trẻ nói chung, trong đó có học sinh cần coi đó là tài sản quý báu, là động lực lớn lao luôn khích lệ chính mình, để ra sức học tập, lao động, rèn luyện để thực hiện mọi thắng lợi. Gạt bỏ lối sống ích kỉ, hẹp hòi cần nghĩ về lợi ích cho gia đình, nhà trường, xã hội, Tổ Quốc đúng như lời bài hát đã nhắn nhủ: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”./.

 

( Hồng Thấm – Sưu Tầm)