Tại sao chỉ tiêu vào lớp 10 công lập ngày càng ít; Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao nhưng lại khuyến khích học sinh học trường nghề…?

Là những thắc mắc của phụ huynh và học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh (Q.10, TP.HCM) tại chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 diễn ra mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức với sự đồng hành của nhiều đơn vị.

Mở đầu phần hỏi – đáp, một phụ huynh thắc mắc: “Tỷ lệ học sinh lớp 9 vào lớp 10  tăng theo từng năm nhưng tại sao các trường THPT công lập không tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà còn hạ xuống?” Giải đáp câu hỏi này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam) cho biết: Hiện nay, sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH rất dễ. Tuy nhiên, học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 công lập lại rất khó do Nhà nước đã thực hiện chính sách phân luồng học sinh sau THCS. Chính vì thế, các trường hạ chỉ tiêu tuyển sinh để những em không vào được lớp 10 công lập có thể chuyển hướng sang học nghề, học tại các trường ngoài công lập.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) giải đáp thắc mắc cho học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh

TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhìn nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng nếu nghĩ vậy ai cũng đi học ĐH mà không học trường nghề thì xã hội sẽ không có nguồn nhân lực ở bậc TC-CĐ. Có rất nhiều sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài giỏi lý thuyết nhưng lại thiếu thực hành, thực nghiệm. Từ thực tế này, việc học nghề sau THCS sẽ giúp các em nâng cao tay nghề, kỹ năng chuyên môn để giúp ích cho bản thân và xã hội” – TS. Nghĩa khẳng định.

Học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Tiếp tục phần hỏi – đáp, em Lê Quang Sáng (lớp 9A3) hỏi: “Tại sao các trường THPT công lập không giảm phần học lý thuyết để tăng cường học thực hành nhiều hơn để chúng em khỏi học trường nghề?”. TS. Nghĩa cho biết, một số trường chỉ tập trung dạy lý thuyết, hạn chế thực hành. Chính vì vậy, việc phân luồng, khuyến khích học sinh học trường nghề là một hướng giúp các em có cơ hội thực hành nhiều hơn. Theo tâm lý chung, các bậc cha mẹ không muốn cho con mình học nghề sớm vì chưa đủ tuổi trưởng thành nhưng học trường nghề rất có lợi vì học sinh sau THCS học nghề sẽ được miễn 100% học phí.

Tại chương trình, một bạn chia sẻ: Em thích học công nghệ thông tin nhưng lo ngại không biết nữ học ngành này có phù hợp không? Ông Nguyễn Trung Nguyên (Đại diện Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn – SITC) khẳng định: Đây là ngành học không phân biệt nam nữ, nếu bạn thích ngành nào thì cứ học vì khi học và làm công việc đúng với sở thích, đam mê sẽ cảm thấy hạnh phúc, thành công.

Theo Kiều Khánh

Báo Giáo dục