Thông tin cho phép học sinh tốt nghiệp bậc THCS được học thẳng lên hệ cao đẳng khiến nhiều trường nghề “thở phào nhẹ nhõm”.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 07 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông tin cho phép học sinh tốt nghiệp bậc THCS được học thẳng lên hệ cao đẳng khiến nhiều trường nghề “thở phào nhẹ nhõm”. Nhiều trường cao đẳng tại TPHCM cho biết, họ sẽ thay đổi phương án tuyển sinh để mở rộng hệ tuyển, tạo thêm thế cạnh tranh ngay mùa tuyển sinh năm nay.

Là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP HCM tiến hành thí điểm tuyển sinh bậc trung học cơ sở từ 2 năm nay, hiện Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng có 3.500 học sinh đang theo học hơn 20 ngành đào tạo thuộc hệ đào tạo này. Vậy nên, khi nghe thông tin Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mở thêm nguồn tuyển cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Nhà giáo ưu tú Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng tỏ ra rất phấn khởi. Ông cho biết, nét mới này sẽ tạo thêm động lực để các trường nghề chủ động nguồn tuyển trong giai đoạn cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Để tận dụng cơ hội này, mùa tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng sẽ dành khoảng 2.000 chỉ tiêu cho học sinh sau trung học cơ sở học thẳng lên cao đẳng với 25 ngành nghề đào tạo.

Theo Nhà giáo ưu tú Phạm Hữu Lộc, việc được học thẳng lên cao đẳng sẽ thu hút được nhiều học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần hạn chế thất thoát nguồn nhân lực cho xã hội trong thời gian tới: “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ khẳng định được vị thế của mình. Sinh viên và phụ huynh sẽ tin tưởng hơn vào giá trị đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó các em ra trường được các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp công nhận. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp các em sau khi ra trường làm việc rất tốt”.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý cho biết, không chỉ được học thẳng lên cao đẳng mà sau khi tốt nghiệp cao đẳng, nếu hội đủ điều kiện và có nguyện vọng, học sinh hệ 9+ có thể liên thông lên nhiều trường đại học top trên. Nếu tính toán kỹ lưỡng, bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, thời gian, cách học rút ngắn này cũng giúp giảm áp lực kiến thức vì sẽ lọc bớt nhiều môn văn hóa không cần thiết.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý lý giải: “Xưa nay phụ huynh và học sinh cứ quan niệm là sau lớp 9 phải học thêm 3 năm xong lớp 12 rồi mới tính tiếp. Như vậy có thể sẽ gây nên sự lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Với hướng mới này học sinh tốt nghiệp THCS chỉ cần tốn 3,5 năm là có được 2 cái bằng là bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp ở độ tuổi 18,5 tuổi, các em có 3 lựa chọn hoặc đi du học, đi làm hoặc học liên thông lên đại học.”.

Mặc dù các trường đang tích cực tuyên truyền, tư vấn nhưng theo bà Phan Thị Hải Vân, cần thêm nhiều nguồn lực từ xã hội để học sinh, phụ huynh hiểu cặn kẽ về lợi ích của hệ đào tạo này: “Cần nhiều hơn nữa sự tham gia của phương tiện truyền thông. Các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM… cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các trường trung học cơ sở để chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin mới để học sinh hiểu được rằng các em nên học theo khả năng, nguyện vọng của bản thân”.

Việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mở rộng nguồn tuyển cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua Thông tư 07 là tín hiệu đáng mừng, giúp giải tỏa được những lo lắng trong hệ đào tạo này suốt nhiều năm qua. Đó là học nghề không kèm chương trình văn hóa thì không đủ điều kiện để liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Vừa học nghề, vừa học văn hóa với thời gian rút ngắn và chương trình sát nhu cầu thực tế sẽ giúp học sinh sau trung học cơ sở trang bị tốt kiến thức, chuyên môn để gia nhập thị trường lao động hoặc học lên cao hơn./.

Theo VOV online