Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ- TB&XH) nhấn mạnh, kỹ sư, quản lý hay kỹ thuật nghiệp vụ trong một doanh nghiệp… phải được đối xử như nhau về mặt hình ảnh.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề cập đến khía cạnh hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp. Theo ông Dũng, hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp, của những người thợ hay kỹ sư làm nghề chưa được chú trọng đúng mức.

 

Ông chia sẻ: “Chúng ta thời sinh viên ai cũng có quãng thời gian tươi đẹp ngồi trên giảng đường, ngắm hoa phượng… nhưng với các em học nghề từ đầu vào đến đầu ra đều rất vất vả. Nếu chúng ta xuống trường bắt tay các em học sinh khối công nghệ kỹ thuật mới thấy bàn tay của các em thô ráp thế nào. Vào trường nghề một cái là “cắm mặt” vừa học vừa hành, mà hành là chính (khoảng 70%). Như vậy các em sẽ chủ yếu ở xưởng, ở nhà máy, ở xí nghiệp… Ra trường thì lại tiếp tục vào những nơi như thế.

 

Rõ ràng, các em là lực lượng đi đầu trong lao động, sản xuất của đất nước. Và thực tế, thu nhập của các em học nghề ra trường cũng khá hơn so với không ít cử nhân đại học ra trường. Thế nhưng, lâu nay hình ảnh những người thợ làm nghề dường như đang bị mờ dần đi do chưa được chú trọng truyền thông đúng mức.

 

Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Giáo dục nghề nghiệp cần được đối xử bình đẳng về mặt hình ảnh. Những người làm nghề như kỹ sư nhà máy, quản lý hay kỹ thuật nghiệp vụ trong một doanh nghiệp cũng là nghề nghiệp và phải được đối xử như nhau về mặt hình ảnh, như bác sĩ, tiến sĩ hay giáo viên…”.

TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN – Bộ LĐ-TB&XH

Giải đáp thắc mắc “Tại sao không gọi là dạy nghề mà gọi là giáo dục nghề nghiệp?”, “Tại sao lại đổi từ khái niệm dạy nghề sang khái niệm giáo dục nghề nghiệp?”, TS. Trương Anh Dũng cho hay. Trong Hiến pháp năm 1946, khái niệm giáo dục được đề cập rất chung chung, chỉ nói đến bồi dưỡng dân trí, tạo điều kiện cho nhân dân đi học. Đến năm 1980 bắt đầu xuất hiện khái niệm giáo dục nghề nghiệp. Hiến pháp năm 1980, 1992 và mới đây là Hiến pháp năm 2013 đều nhắc đến khái niệm giáo dục nghề nghiệp. Nhiều nước trên thế giới cũng sử dụng khái niệm giáo dục nghề nghiệp.

 

Nhắc lại câu hỏi của Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB): “GDNN có vai trò quan trọng với thế giới và Việt Nam thế nào?”, ông Dũng cho rằng, chúng ta nên bắt đầu đặt vấn đề, nếu không có GDNN sẽ thế nào?

 

“Không có cái nhà này (từ bức tường, cái ghế, cái tivi… tới tất cả sản phẩm khác trong ngôi nhà đều là do người thợ làm nên). Nếu không có những ngôi nhà thế  thì không có quận này, thành phố này và không có đất nước này, thế giới này.

 

Tuy giữ vị trí và vai trò quan trọng như vậy nhưng giáo dục nghề nghiệp vẫn còn đó những thách thức. Theo ông Dũng, hiện nay phổ cập cho giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non làm khá tốt. Giáo dục nghề còn kém hơn thì cần được ưu tiên hơn.

 

“Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH mới đây, Giám đốc WB tại Việt Nam cũng cho rằng, rào cản lớn nhất của ngành lao động Việt Nam hiện nay đang đối mặt là làm cho người dân thay đổi nhận thức. Rằng cái gì chúng ta đang làm hôm nay thì phải 10-15-20 năm sau nó mới có tác dụng. Nhưng một số người dân không nhìn thấy điều đó, thậm chí có những người quản lý cũng không nhìn thấy điều đó.

 

Nếu chỉ trực tiếp ngay lập tức thì chỉ là trước mắt, ngắn hạn. Còn dài hạn là vấn đề nhân lực. Do vậy, giáo dục nghề nghiệp cần được đối xử bình đẳng về mặt hình ảnh và cần giải quyết được rào cản về nhận thức của nhiều đối tượng trong xã hội”, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.