Tại CHLB Đức, nhà nước và khối doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nghiệm đào tạo nghề, bao gồm trách nhiệm về tài chính. Nguyên tắc tài chính đầu tiên của trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp là phải cân đối giữa nguồn thu và chi, từ trợ cấp của ngân sách nhà nước và học phí của học viên.

Ảnh: Đồng Ngọc

Với hỗ trợ Kỹ thuật và Hỗ trợ tài chính của Chính phủ Đức, một số cơ sở GDNN ở Việt Nam đã được hỗ trợ trở thành những trung tâm đào tạo chất lượng cao. Ảnh: Đồng Ngọc

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về kinh nghiệm quản lý tài chính của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), TS Juergen Hartwig – Giám đốc Chương trình Hợp tác Việt – Đức “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” cho biết, tại CHLB Đức, nhà nước và khối doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nghiệm đào tạo nghề, bao gồm trách nhiệm về tài chính.

* PV: Thưa ông, được biết CHLB Đức là nước có nền giáo dục phát triển, đặc biệt là GDNN. Tại các cơ sở GDNN ở Đức, việc quản lý tài chính được thực hiện như thế nào, thưa ông?

– Ông Juergen Hartwig: Các trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp tại Đức thường được sở hữu và vận hành bởi Phòng Thủ công nghiệp và thường cung cấp đào tạo thực hành. Tất cả các công ty của Đức đều phải là thành viên của những Phòng Thủ công nghiệp địa phương này.
Nguyên tắc tài chính đầu tiên của trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp là phải cân đối giữa nguồn thu và chi. Nguồn thu bao gồm trợ cấp từ ngân sách nhà nước, từ việc cung cấp đào tạo và học phí của học viên.

Tất cả các khóa đào tạo cần được tính toán thường xuyên để cân đối chi phí với số lượng học viên. Học viên thường tự chi trả phần đào tạo chuyên sâu ở một số ngành nghề cụ thể, ví dụ như để lấy bằng thạc sỹ. Tuy nhiên, nhà nước cũng có những hỗ trợ đặc biệt đối với những học viên muốn tiếp tục đào tạo chuyên sâu.

Nhà nước trợ cấp chi phí nội trú của học viên trong quá trình đào tạo, những chi phí còn lại có thể được chi trả bởi doanh nghiệp hoặc học viên. Ngoài ra, các trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp có thể đăng ký nhận đầu tư của nhà nước vào công nghệ mới và bảo trì. Các kiểm toán độc lập sẽ thực hiện các bước đánh giá để quyết định sự cần thiết của các khoản đầu tư này.

Tóm lại, các trung tâm liên doanh nghiệp tại Đức hoạt động một cách tự chủ. Tuy nhiên, ngân sách hỗ trợ từ nhà nước và xã hội là vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo theo định hướng nhu cầu.

Kinh nghiệm từ các nước cũng cho thấy khi nguồn hỗ trợ công giảm xuống, các cơ sở đào tạo nghề thường có xu hướng cung cấp đào tạo với những nghề nặng về lý thuyết hơn là những nghề công nghiệp chú trọng thực hành và đòi hỏi nhiều chi phí hơn, trong khi chính những nghề này mới cần thiết đối với một nền GDNN gắn với nhu cầu thực tiễn của nền công nghiệp.
 Ông Juergen Hartwig
Ông Juergen Hartwig 

* PV: Thưa ông, như ông vừa nói, tại Đức, doanh nghiệp chi trả chi phí cho đào tạo nghề. Là người đã làm việc trong lĩnh vực GDNN tại Việt Nam nhiều năm nay, ông có nhận định như thế nào về sự hợp tác của các cơ sở GDNN với doanh nghiệp tại Việt Nam?

  – Ông Juergen Hartwig: Các chính sách của Việt Nam ngày càng khuyến khích các cơ sở GDNN thực hiện tự chủ và mở rộng quan hệ hợp tác với doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan hệ với doanh nghiệp nói chung và đầu tư của doanh nghiệp cho các hoạt động GDNN nói riêng còn chưa mạnh mẽ.
Do đó, Việt Nam cần có thêm những cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào GDNN, như thực hiện ưu đãi thuế và các chính sách có lợi khác cho doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động GDNN. 

Chương trình đào tạo phối hợp thí điểm do Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” thực hiện, là một bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận ra lợi ích của hợp tác ba bên: Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp.

Ở mô hình đào tạo phối hợp này, doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo hướng cầu, cung cấp các khóa đào tạo, kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ cho học viên. Một số doanh nghiệp còn tình nguyện trả trợ cấp đào tạo cho học viên của họ trong quá trình đào tạo tại doanh nghiệp.

Bên cạnh các kinh nghiệm từ Đức được chia sẻ ở trên, một kinh nghiệm thú vị nữa từ ngành xây dựng của Đức là tất cả các công ty, kể cả những công ty không cung cấp đào tạo, đóng góp 2,1% tổng quỹ lương nhân viên vào một quỹ đào tạo chung.

Các công ty cung cấp đào tạo sẽ sử dụng quỹ này cho các hoạt động đào tạo tại trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp, hoặc trả trợ cấp đào tạo cho học viên.

* PV: Thưa ông, được biết, các trung tâm liên doanh nghiệp tại Đức đều hoạt động tự chủ. Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm thực hiện tự chủ của các trung tâm này?

– Ông Juergen Hartwig: Tại CHLB Đức, nhà nước và khối doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nghiệm đào tạo nghề, bao gồm trách nhiệm về tài chính. Đối với hệ thống đào tạo kép ở Đức, thời gian đào tạo thường kéo dài ba năm và học viên sẽ ký hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp.
Trong tuần, học viên thường dành 3 ngày để thực hành và học việc tại doanh nghiệp, còn lại 2 ngày học lý thuyết tại trường nghề. Như vậy, 70% thời gian đào tạo (chủ yếu là phần thực hành) sẽ diễn ra tại các doanh nghiệp hoặc trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp và 30% thời gian còn lại (chủ yếu là các môn chung và môn lý thuyết) sẽ diễn ra tại cơ sở GDNN

Các trường nghề ở Đức hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách của bang đối với các khoản chi thường xuyên và không thường xuyên, như tiền lương, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị và vật dụng đào tạo.

Tuy nhiên, do nội dung thực hành tại các doanh nghiệp chiếm phần lớn thời gian đào tạo, các trường nghề ở Đức không phải đầu tư nhiều vào trang thiết bị đắt tiền cho xưởng thực hành tại trường.

Các doanh nghiệp cung cấp cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp, chi trả tất cả những chi phí liên quan tới quá trình đào tạo tại doanh nghiệp và còn trả trợ cấp đào tạo cho học viên. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp tại Đức đầu tư 18.000 EUR cho những chi phí đào tạo này.

Tùy theo từng ngành nghề, nhưng tới 100% khoản đầu tư này sẽ được hoàn lại bởi sự đóng góp của học viên khi tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian đào tạo. Chỉ riêng năm 2019, các công ty đã đóng góp tới 7,7 tỷ Euro cho đào tạo nghề, trong khi ngân sách nhà nước chi 6,84 tỷ Euro.
 Ở Đức, bên cạnh phần học lý thuyết ở trường nghề hoàn toàn miễn phí, học viên còn được hưởng mức trợ cấp 900 Euro mỗi tháng (số liệu năm 2018) khi tham gia đào tạo tại doanh nghiệp. Năm 2019, gần 430.000 trong số 2,16 triệu doanh nghiệp (20%) cung cấp các khóa đào tạo. Vì phần lớn trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ không thể đảm nhận được tất cả các nội dung đào tạo. Do đó, họ thường tham gia vào các mạng lưới đào tạo để mỗi doanh nghiệp chia nhau thực hiện các nội dung đào tạo khác nhau.
Ngoài ra, một số ngành nghề nhất định cần được đào tạo tại những trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp. Đây là những trung tâm tự chủ về nhân sự và tổ chức, về tài chính họ cũng có những nguồn thu khác nhau, phần lớn tới từ ngân sách nhà nước và cung cấp các khóa đào tạo.

* PV: Xin cảm ơn ông!

 

“Đối với tự chủ về tài chính, cần huy động sự đóng góp từ khối doanh nghiệp. Cùng với sự tham gia của khối doanh nghiệp, các chương trình đào tạo sẽ phản ánh đúng nhu cầu của thị trường, từ đó đảm bảo nâng cao chất lượng kỹ năng nghề của học viên. Nên khuyến khích sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia từ khối doanh nghiệp, các công ty, các hiệp hội nghề và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và chương trình đào tạo, cũng như trong quá trình thực hiện đào tạo và đánh giá học viên. Khi việc đào tạo tại doanh nghiệp được tăng cường sẽ giúp giảm bớt chi phí đào tạo tại các cơ sở GDNN”– ông Juergen Hartwig nói.
Bùi Tư