Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam, mời đọc giả cùng xem bài viết về một tấm gương cựu học sinh sinh viên trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (trước kia là trường Trung cấp địa chất II), tựa đề “Người đi ngược miền cao – lắng nghe nhịp thở của đất mẹ”
Anh Nguyễn Văn Hùng – hiện đang là giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Khoáng sản Đăk Lăk. Một trong những cựu sinh viên trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp của mình. Hãy cùng lắng nghe những lời khuyên hữu ích được rút ra từ kinh nghiệm của bản thân anh dành cho các bạn học sinh, sinh viên đang ngồi trên giảng đường trước khi bước vào đời nhé.
Chúng tôi đã có dịp ghé thăm nơi làm việc của anh Nguyễn Văn Hùng tại Công ty Cổ phẩn Khoáng sản Đăk Lăk tại Huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk – cơ sở làm việc khang trang với các công nhân đang hăng say làm việc. Đón tiếp chúng tôi với vẻ mặt vui mừng, nồng hậu, anh đã có những chia sẻ tâm huyết với nghề, với đời cực kì sâu sắc.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Phú Yên, những tưởng sẽ gắn bó với mảnh đất bình yên ấy. Anh Nguyễn Văn Hùng đã chọn học ngành Địa chất tại Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, cơ sở giáo dục, đào tạo chất lượng, nơi anh tin tưởng sẽ chắp cánh cho ước mơ mình bay xa.
Trót đam mê mãnh liệt với nghề, anh tốt nghiệp ra trường với thành tích học tập đáng nể cùng ý chí của người đi lập nghiệp, khám phá. Như câu nói “Người địa chất đi trước về sau”, anh Nguyễn Văn Hùng lúc ấy đã lựa chọn Đăk Lăk, vùng đất 20 năm về trước vẫn còn hoang sơ và thưa thớt người và gắn bó đến tận bây giờ. Anh xúc động tâm sự: “Hành trang khi ấy nhẹ tênh nhưng trái tim khát khao lắm. Được đi, được làm và cống hiến trào dâng trong tôi. Và có lẽ sự khát khao ấy mới đủ sức giúp tôi kiên trì cố gắng từng ngày đến hôm nay.”
Những bước đi đầu tiên trong đời luôn khó khăn và nhiều vấp ngã, cũng như bước đầu khởi nghiệp luôn tràn ngập sự chông chênh, vô định. Vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo bài bản tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung lúc trước là Trường Trung cấp Địa chất II, anh vẫn nhập cuộc mặc cho bao lần khó khăn, vấp ngã.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hùng tâm sự: “Làm nghề Địa chất là phải đi thực địa nhiều, bất kể thời tiết nắng mưa. Chúng tôi lắng nghe từng nhịp thở của nguồn đất, tìm kiếm mạch nguồn khoáng sản quý giá phục vụ cho công cuộc phát triển thời đại”. Cũng như nhiều sinh viên khác mới ra trường, anh Nguyễn Văn Hùng chưa quen và cảm thấy lạ lẫm với cuộc sống miền cao nên đôi khi gặp không ít khó khăn trong công việc lẫn sinh hoạt. Nhưng đó không là trở ngại khiến anh từ bỏ. Với quyết tâm và động lực thực hiện ước mơ của mình, anh Nguyễn Văn Hùng đã vươn lên những thách thức, khó khăn trong cuộc sống để rồi cố gắng hơn trong công việc và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.
Đam mê và đạo đức. Có lẽ đó là 2 đức tính chúng tôi cảm nhận được từ anh, cũng giống như cái tâm trong sáng trong công việc và cách đối nhân xử thế. Để điều hành công ty lên tới hàng trăm nhân sự và nhiều lĩnh vực, anh phải vắt óc cân đối để chăm lo đời sống của công nhân, anh chia sẻ để ngồi ở vị trí đầu tàu cần phải khôn khéo điều khiển con tàu theo đúng quỹ đạo cũng như phải có sự linh hoạt nếu băng qua những đoạn đường gập ghềnh, khúc khủy.
Anh Nguyễn Văn Hùng – quả thật là một tấm gương sáng cho bao thế hệ sinh viên trường Cao đẳng Công Thương miền Trung học tập và dõi theo. Giống như trong bài hát “Những cánh chim Địa chất” của nhạc sĩ Mộng Lân:
“Hỏi các anh đã qua bao rừng, bao suối đó, anh không nhớ rõ.
Chỉ nhớ những vỉa quặng chạy dọc, chạy ngang gối nhau trên bản đồ.
Lộ trình các anh đi khi qua suối, lúc băng đèo,
Xuyên trong mây bay trong công trình dựng xây”
Chúc cho anh và những cựu sinh viên Cao đẳng Công Thương miền Trung sẽ mang niềm tự hào của Trường đi khắp mọi miền Tổ Quốc. Chúc cho những người làm ngành Địa chất, những cánh chim không mỏi bay khắp mọi nơi báo hiệu “mùa xuân” ấm áp đang về.
Mỹ Trinh – TT TS&CSNH