Bằng sự nỗ lực không ngừng trong học tập, nghiên cứu khoa học, Nguyễn Hoàng Viên đã thực hiện được ước mơ trở thành thầy giáo tại chính ngôi trường mình từng theo học.
Thầy Nguyễn Hoàng Viên nghiên cứu khoa học thông qua mô hình giảng dạy tại trường. Ảnh: MẠNH THÚY
Năm 2011, tôi gặp và phỏng vấn Nguyễn Hoàng Viên khi Viên còn là sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (nay là Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) khi Viên đạt giải nhất Cuộc thi Bàn tay vàng dành cho học sinh, sinh viên do nhà trường tổ chức với sản phẩm Máy in 3D. Mới đây, tôi gặp lại Viên thì chàng sinh viên ngày nào đã trở thành giảng viên của chính ngôi trường mà Viên theo học.
Nói về sự bất ngờ này, Viên cười tươi cho hay: Năm 2014, Viên tốt nghiệp cao đẳng, rồi đi làm. Năm 2015, Viên tiếp tục vừa đi làm vừa học đại học liên thông ngành Kỹ thuật điện – điện tử do Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh liên kết với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tổ chức. Năm 2017, Viên tiếp tục học thạc sĩ đến tháng 5/2019 thì hoàn thành và được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung giữ lại làm giáo viên tập sự tại Khoa Điện và tự động hóa. Sau quá trình tập sự, Viên được nhà trường phân công giảng dạy mô đun công nghệ cho các học sinh từ 5-18 tuổi tại Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế Sunshine của trường.
Để có được “quả ngọt” như ngày hôm nay, Viên đã không ngừng nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn là sinh viên. Suốt những năm theo học, Viên luôn là sinh viên giỏi; có nhiều sáng kiến trong nghiên cứu khoa học đạt giải tại các cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, như năm 2017-2018, Viên đạt giải nhất với mô hình “Pin năng lượng mặt trời tự điều chỉnh theo hướng ánh sáng”, giải nhì với mô hình “Máy in 3D”; năm 2018-2019, Viên tiếp tục đạt giải ba với mô hình “Bộ Boos DC ổn định điện áp lưới quang điện độc lập”. Hiện Viên cùng với TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường thực hiện đề tài cấp trường Xây dựng mô hình vườn sinh học kết hợp IoT.
Đánh giá về Viên, TS Trần Kim Quyên cho biết: “Ngay từ khi còn là sinh viên của trường, Viên đã cho thấy sự vượt trội về học tập và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Đây là yếu tố rất cần thiết đối với giáo viên trường nghề. Nhà trường tin tưởng thầy Viên sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này và truyền cảm hứng ấy đến học trò trong vai trò, nhiệm vụ là người thầy”.
Năng lực, sở trường, tố chất của bản thân… những điều này không phải ai sinh ra cũng sẵn có, cũng giỏi mà chỉ có thể được hình thành trong quá trình học tập, rèn luyện. Học nghề theo đam mê, nhưng để gắn bó được với nghề thì phải bằng năng lực. Ý thức được điều đó, thầy Viên cho rằng: Dù là sinh viên hay là người thầy như hiện nay, tôi luôn xác định phải học và làm việc liên tục để trau dồi, nâng cao năng lực. “Để có thể giỏi giang, ngoài kiến thức, chúng ta còn hơn nhau ở chính thái độ học tập, tính kỷ luật của bản thân. Khi chọn công việc phù hợp với năng lực, đam mê, sở thích… thì bản thân sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và gắn bó được lâu dài; ngược lại, nếu chọn sai dễ bị áp lực, chán nản và không có niềm vui. Nhưng nếu chỉ có kiến thức thôi thì chưa đủ, để cạnh tranh, muốn có chỗ đứng trong công việc thì chúng ta còn phải rèn kỹ năng làm việc, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp để có thể tương tác, linh hoạt trong công việc”, thầy Viên nhấn mạnh.
Mạnh Thúy
(Theo báo Phú Yên online)