Quy chế thi THPT quốc gia 2019 với nhiều thay đổi quan trọng sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành trong một vài ngày tới.

Lịch thi THPT quốc gia 2019 dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 25 đến 27-6. Cụ thể, ngày 24-6, các thí sinh sẽ đến phòng thi làm thủ tục, nghe quy chế thi. Sáng 25-6, thí sinh có mặt tại phòng thi để thi môn đầu tiên là ngữ văn (tự luận), thời gian 120 phút. Buổi chiều, thí sinh sẽ làm bài thi môn toán theo hình thức trắc nghiệm trong 90 phút. Sáng 26-6, thí sinh thi bài tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) trong 150 phút. Buổi chiều, thí sinh sẽ làm bài thi ngoại ngữ trong 60 phút. Sáng 27-6, thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp môn khoa học xã hội (gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) trong 150 phút.

Năm nay, đề thi có nội dung nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là lớp 12, bảo đảm cơ bản để xét tốt nghiệp và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở tuyển sinh.

Năm nay, kỳ thi sẽ có những thay đổi quan trọng. Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ điểm thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT trong năm 2019 tăng lên 70% thay vì 50% như trước đây. Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Cũng theo quy định mới, học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên (GDTX) trong diện xếp loại hạnh kiểm, học viên GDTX tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học THPT sẽ được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp. Cụ thể, loại giỏi đối với giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp sẽ được cộng 2 điểm. Loại khá đối với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá đối với bằng trung cấp cộng 1,5 điểm và loại trung bình được cộng 1 điểm.

Năm nay, Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo Trường ĐH đảm nhiệm. Tổ trưởng tổ chấm bài thi trắc nghiệm là phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm thường trực đảm nhiệm, các thành viên là cán bộ kỹ thuật của trường ĐH và không quá 2 cán bộ kỹ thuật được huy động từ các sở GD-ĐT không thuộc địa phương có bài thi được chấm (nếu trường ĐH có yêu cầu). Cán bộ kỹ thuật phải am hiểu sâu về công nghệ thông tin và phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Để tránh tiêu cực có thể xảy ra, Bộ GD-ĐT quy định các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp.

Ngay khi quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) phải được sao lưu ra đĩa CD hoặc DVD thành 3 bộ đĩa giống nhau, đóng gói niêm phong và bàn giao 1 bộ đĩa cho chủ tịch hội đồng thi lưu trữ. 1 bộ đĩa ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, khi sử dụng các bộ đĩa này phải báo cáo ban chỉ đạo thi quốc gia và 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD-ĐT để quản lý và giám sát.

Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải bảo đảm an toàn, chắc chắn và có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, bảo đảm thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera. Ngoài ra, có ít nhất 1 công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường ĐH, CĐ (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi được lưu tại điểm thi.

Yến Anh
Theo báo Người lao động