(Dân trí) – “Để học tốt, học sinh bắt buộc phải học từ cơ bản bằng cách gạch ý, tóm tắt nội dung phân tích các văn bản rồi mới học kiến thức nâng cao. Khi kiến thức nền tảng vững vàng, học sinh mới luyện đề”.
Gạch ý, tóm tắt nội dung
Kì thi THPT quốc gia năm nay, môn Ngữ văn và các môn khác mở rộng phạm vi ôn luyện và kiểm tra – đánh giá: không chỉ dừng lại ở các nội dung lớp 12 mà cả lớp 11. Học sinh (HS) cần hiểu nội dung lớp 11 không chỉ là các tác phẩm văn học mà còn là những nội dung và yêu cầu về kĩ năng đọc hiểu và làm văn như: các phong cách ngôn ngữ, các thao tác lập luận…
Để học tốt HS bắt buộc phải học từ cơ bản bằng cách gạch ý, tóm tắt nội dung phân tích các văn bản rồi mới học kiến thức nâng cao. Cuối cùng khi kiến thức nền tảng vững vàng mới luyện đề.
Học theo chủ đề, chuyên đề để giảm áp lực
Văn bản đọc hiểu nên chọn các văn bản gần gũi, có ý nghĩa thực tiễn, Phần nghị luận xã hội, HS nên tự luyện viết các đoạn văn có những chủ đề liên quan đến giá trị sống, kỹ năng sống cho HS như: trung thực, khiêm tốn, dũng cảm, yêu thương, trách nhiệm… hay tự học, hợp tác…
Phần nghị luận văn học, GV và HS nên ôn luyện theo các chuyên đề như văn học hiện thực, văn học lãng mạn, thơ ca cách mạng, văn xuôi cách mạng, văn học sau 1975… trước khi học các tác phẩm cụ thể nên khái quát những đặc trưng, những quan điểm nghệ thuật riêng của từng giai đoạn văn học để học có hệ thống và thuận tiện cho so sánh, liên hệ, mở rộng.
Thầy Trịnh Quỳnh (giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định) – tác giả bài viết.
Không học tủ, trông chờ vào may mắn
Đề thi minh họa cũng có những yêu cầu so sánh, liên hệ giữa các tác phẩm lớp 12 với lớp 11. Điều đó đồng nghĩa để đạt được điểm giỏi, HS phải có ý thức ôn luyện thường xuyên ngay từ những lớp dưới.
Càng ở giai đoạn nước rút khối lượng kiến thức càng nhiều, nếu không lên kế hoạch về thời gian, tài liệu, định hướng về phương pháp mà chỉ trông chờ vào may mắn thì khó thành công. Bất cứ tác phẩm hay vấn đề nào đã xuất hiện trong các đề thi của Bộ GD&ĐT đều có thể được khai thác với nhiều góc độ khác nhau.
Không tập trung luyện một dạng đề cụ thể nào
HS cũng không nên đi theo hướng luyện đề cụ thể vì khi học một dạng đề, đi thi có thể vào một dạng đề khác có thể bỡ ngỡ. Một số dạng đề hay sử dụng trong kỳ thi THPT Quốc gia: nghị luận về một bài thơ/đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm/đoạn trích văn xuôi; nghị luận về một ý kiến bàn về văn học…
Điều quan trọng là cần có cho mình những phương pháp đọc hiệu quả, cách tái hiện kiến thức, liên tưởng, cảm thụ, tổng hợp, đánh giá một vấn đề văn học hay xã hội hiệu quả, sâu sắc. Như thế học sinh mới chủ động trong làm bài, dù đề thi sử dụng ngữ liệu ngoài SGK, các kiến thức, kĩ năng thuộc lớp 11, hay các dạng câu hỏi mới học sinh vẫn có thể làm tốt.
Hoàn thiện nhanh các câu hỏi phần cơ bản
Đề thi năm 2018 cũng có độ phân hóa cao hơn so với đề năm 2017. Cụ thể theo đề minh họa phần làm văn có thêm một ý nâng cao chiếm từ 1 đến 2 điểm để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học. Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Vì thế HS phải phân bố thời gian làm bài hợp lý, tránh mất nhiều thời gian ở câu hỏi dễ, ngược lại với câu hỏi phân hóa tuy ít điểm nhưng cần nhiều thời gian ôn tập và thời gian làm bài hơn.
Đừng quá băn khoăn ở những câu hỏi nhận biết, thông hiểu vì câu hỏi cơ bản đa số các bạn HS đều trả lời đúng. Các câu hỏi cơ bản thường đếm ý cho điểm, không phụ thuộc vào chủ quan người chấm nên có thể đạt điểm tối đa.
Dành nhiều thời gian cho câu hỏi phân hóa
Để làm tốt câu hỏi phân hóa này, HS cần có kiến thức nền tảng sâu và rộng bao gồm: kiến thức về văn học sử (phong cách, quan điểm của các tác giả, các giai đoạn văn học, các thể loại) lí luận văn học (không gian, thời gian, quan niệm về con người, kết cấu, chi tiết, lời văn nghệ thuật). Đây là các vấn đề lý thuyết bên ngoài tác phẩm nên đa số các bạn Hs bỏ qua.
Nắm vững yêu cầu câu hỏi, trả lời đúng, trúng, ngắn gọn các ý
Học sinh cũng cần nắm vững các yêu cầu cụ thể của từng câu hỏi để làm bài hiệu quả, mối quan hệ giữa câu hỏi và câu trả lời.
Với phần đọc hiểu: trước tiên cần phác thảo được các thông tin có thể được tìm thấy “trong văn bản” hoặc “trong đầu của tôi”. Với một số câu hỏi, tác giả đưa ra câu trả lời trong văn bản. Với người khác, câu trả lời phải được phát triển dựa trên ý tưởng và kinh nghiệm của người đọc.
Có những câu hỏi phải trả lời theo cách hiểu của tác giả, có những câu hỏi phải trả lời theo cách hiểu riêng của bản thân. Tránh cách trả lời dài dòng, lan man không trúng ý.
Học sinh rèn luyện bằng cách viết thoải mái một đoạn văn không giới hạn dung lượng rồi tóm tắt lại, loại bỏ ý trùng lặp, loại bỏ các câu vô nghĩa… từ đó hình thành cách viết của riêng mình.
Trả lời 4 câu hỏi ở phần nghị luận xã hội
Với phần làm văn nghị luận xã hội, ngoài việc giải thích, cắt nghĩa, phân tích vấn đề học sinh cũng nên lấy các dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu và thuyết phục.
Học sinh có thể bắt đầu bằng việc trả lời các câu hỏi đơn giản: là gì? Vì sao? Ai? Làm như thế nào? Đặc biệt phải chú ý đến ý nghĩa của vấn đề với bản thân và cuộc sống, chú ý đến cả bài học nhận thức và bài học thay đổi hành động.
Học sinh rèn luyện bằng cách viết thoải mái một đoạn văn không giới hạn dung lượng rồi tóm tắt lại, loại bỏ ý trùng lặp, loại bỏ các câu vô nghĩa… từ đó hình thành cách viết của riêng mình.
Để bài viết có điểm nhấn những bài học rút ra phải thực sự chân thành, có thể sử dụng các cách diễn đạt khác thay cho câu văn, ý văn đã cũ đã sáo mòn có phần gượng ép, giả tạo.
Rèn luyện các thao tác nghị luận văn học
Các dạng đề gần đây, thông thường sau khi yêu cầu phân tích, cảm nhận một đoạn trích, một nhân vật còn yêu cầu HS phải so sánh, bình luận các vấn đề lí luận liên quan.
Vì thế, học sinh cần chú ý phân tích đề, rèn luyện việc sử dụng các thao tác lập luận. Khi học bất cứ tác phẩm nào, HS cũng cần có ý thức liên hệ, dẫn ra một số tác phẩm có chung đề tài.
HS giỏi muốn đạt điểm cao cần có thêm kiến thức lí luận liên quan đến các giai đoạn khuynh hướng sáng tác như cảm hứng sử thi, khuynh hướng lãng mạn, cảm hứng đời tư thế sự, màu sắc dân tộc… trong các tác phẩm.
Chú ý nét riêng, đóng góp nổi bật của tác phẩm và nhà văn
Khi tổng hợp đánh giá một tác phẩm không chỉ tái hiện hình tượng mà cần chú ý làm nổi bật nét riêng, sự đóng góp của tác phẩm và nhà văn. Ví dụ khi phân tích hình tượng người lính Tây Tiến phải làm rõ được vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, phân tích đoạn trích Việt Bắc phải làm rõ được màu sắc dân tộc trong hình thức nghệ thuật… Có như thế bài làm mới có chiều sâu, mới làm rõ được giá trị của tác phẩm.
Cuối cùng, để ôn tập và chuẩn bị hành trang vững vàng cho kỳ thi sắp tới, HS hãy bắt tay vào học ngay bây giờ. Với môn văn, trong 3 tháng Hs vẫn có thể lấy được căn bản, tự tin đạt những điểm số cao. Chắc chắn những định hướng trên sẽ giúp các bạn thay đổi cách học để bình tĩnh tự tin với kỳ thi quan trọng này.
Trịnh Quỳnh
(Giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định)