Những ngày qua trên truyền thông báo chí có nhiều bài viết, ý kiến khác nhau về việc nên xét hay thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020 sắp tới trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Rất nhiều chuyên gia giáo dục đã nêu lên quan điểm cá nhân để phân tích được và mất khi bỏ kỳ thi này năm nay do dịch bệnh. Và cũng có nhiều diễn đàn đã lấy ý kiến của bạn đọc.
Tính đến 23h30 ngày 10/4/2020, trên tuoitre.vn, có 7979 lượt bình chọn ủng hộ bỏ kỳ thi Tốt nghiệp THPT, 1963 lượt bình chọn không ủng hộ. Còn trên trang vnexpress.net có 859 chọn phiếu “Nên” bỏ kỳ thi này và 266 phiếu chọn “Không nên”.

Bộ Giáo dục đã hai lần điều chỉnh khung thời gian kế hoạch năm học. Thế nhưng mùa hè sắp sang còn học sinh vẫn chưa thể trở lại trường, đã bước sang gần giữa tháng 4, quỹ thời gian dành cho năm học 2019-2020 không còn nhiều nữa. Trước tình hình, dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn 3 lây nhiễm trong cộng đồng, vì thế, Chính phủ vẫn chưa thể đưa ra thông báo có tiếp tục cách ly toàn xã hội sau ngày 14/4/2020, ngành giáo dục cần tính đến phương án xấu nhất là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay.

(Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại TP.HCM, Ảnh: DUYÊN PHAN)

PGS.TS NGUYỄN KIM HỒNG (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Phải sửa Luật giáo dục để bỏ kỳ thi THPT quốc gia.

Luật giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay cho thấy Luật giáo dục đã có khiếm khuyết là không quy định trường hợp dịch bệnh kéo dài như thế này nên chỉ có cách là sửa luật và đây là quyền và trách nhiệm của Quốc hội. Khi thảo luận Luật giáo dục sửa đổi đã có những đề nghị Bộ Giáo dục – đào tạo nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường và đưa vào luật việc tự học ở nhà (homeschooling) nhưng không thành. Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia, tỉ lệ đậu lên đến trên 90%. Còn theo quy định của Luật giáo dục đại học, việc tổ chức xét tuyển đại học là việc của các trường đại học. Các trường đủ năng lực để xét tuyển dùng học bạ và kiểm tra thêm trên cơ sở dùng công nghệ khi tuyển sinh. Hơn nữa Luật giáo dục có quy định phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn… mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục – đào tạo quyết định.

TS PHAN HỒNG HẢI (hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM): Để trường phổ thông công nhận tốt nghiệp THPT.

Đã từng có nhiều ý kiến trong các lần góp ý Luật giáo dục kiến nghị nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường nhưng không được xem xét. Lý do được đưa ra là cần có một kỳ thi tốt nghiệp chung để đánh giá năng lực học sinh một cách nghiêm túc, công bằng theo chuẩn chung của cả nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều trường đại học xét tuyển bằng học bạ THPT. Điều này cho thấy các trường đại học tin tưởng vào chất lượng giảng dạy, kết quả đánh giá của các trường THPT.
Đây là điều hiển nhiên, vì tất cả học sinh đều muốn được lên lớp, thậm chí công nhận tốt nghiệp THPT đều phải trải qua các kỳ kiểm tra, kỳ thi do chính các trường tổ chức đánh giá. Vậy nên việc để các trường THPT tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là hoàn toàn phù hợp.
Trước thực tế dịch COVID-19 hiện nay, nhiều trường đại học cũng đang tính đến chuyện điều chỉnh phương thức tuyển sinh, giảm tối đa chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi THPT quốc gia.

TS LÂM THÀNH HIỂN (phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng): Đòi hỏi bức thiết

Theo Luật giáo dục năm 2019, học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT. Cũng theo quy định của pháp luật, học sinh phải tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện được tham gia xét tuyển vào đại học. Nói một cách khác, học sinh muốn được lên đại học trước hết phải thỏa điều kiện tốt nghiệp THPT và muốn được cấp bằng tốt nghiệp THPT phải tham dự kỳ thi (hiện nay là kỳ thi THPT quốc gia).
Với diễn biến khó lường của dịch COVID-19, đến thời điểm này vẫn chưa ai có thể khẳng định được chính xác thời điểm nào học sinh được đi học trở lại bình thường. Thậm chí, dù Bộ Giáo dục – đào tạo đã hai lần lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay với dự kiến từ ngày 8/8/2020, nhưng nhiều người vẫn chưa yên tâm nhiều thứ…

Ông HUỲNH THANH PHÚ – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TPHCM: Tôi mong bỏ kỳ thi THPT quốc gia

Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục – đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học với chủ trương giữ nguyên cách thức thi THPT quốc gia với 9 môn. Nhưng quỹ thời gian năm học thì đang cạn dần mà học sinh khối 12 vẫn chưa biết khi nào sẽ quay trở lại trường học. Chúng ta không thể để năm học này phạm sang thời gian của năm học sau. Tôi cho rằng Bộ Giáo dục – đào tạo cần có giải pháp cho vấn đến này. Nếu kỳ thi THPT quốc gia đã được đưa vào luật thì trong từng thời kỳ nhất định của đất nước, Quốc hội và Chính phủ vẫn có thể điều chỉnh luật. Với bối cảnh như hiện nay, ta có thể xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho học sinh dựa vào điểm học tập của các em. Nhiều người cho rằng các trường THPT triển khai dạy online thì sẽ không phải lo lắng cho học sinh khối 12. Nhưng trên thực tế, dạy online chỉ là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ vì hình thức dạy – học này không đồng bộ và không công bằng với tất cả học sinh. Đâu phải 100% các em đều có máy tính nối mạng để mà học online. Chưa kể rất nhiều tình huống phát sinh khiến việc dạy học online chưa được như ý muốn (đường truyền đứt, học sinh bị out ra khỏi lớp học trực tuyến…). Rồi chưa kể khi học sinh trở lại trường học, quỹ thời gian còn rất ít mà các nhà trường vừa dạy phụ đạo cho những học sinh chưa học online, bổ sung cho những học sinh có học online nhưng chưa nắm được bài; vừa cấp tốc dạy bù, ôn thi… Như vậy thì rất áp lực, áp lực cho cả học sinh và giáo viên.

Ông Đỗ MINH HOÀNG, Giám đốc TTGDTX Chu Văn An (TP.HCM): Nếu xét thì dựa trên cơ sở nào, nếu thi thì làm sao để tổ chức?

Với tình hình hiện nay, nên để các địa phương tự chủ việc tốt nghiệp. Từng địa phương có phương án riêng trên cơ sở chương trình đã điều chỉnh, Bộ phê duyệt đồng thời giám sát cách thực hiện. Đồng tình với quan điểm này, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – ông Nguyễn Tùng Lâm – cho rằng Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị thêm phương án khi tình huống xấu hơn, trong đó có thể nghĩ đến không tổ chức thi THPT quốc gia, trả việc tốt nghiệp cho các nhà trường và địa phương. Ông Đỗ Hoàng Sơn, chuyên gia của Liên minh Giáo dục STEM, thì đề xuất xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo kết quả 5 học kỳ đã qua. Khi xét phải căn cứ vào điểm trung bình, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong nhiều năm, điểm số từ trên xuống dưới. Với trường hợp cá biệt mà trường không tự quyết định được thì có thể cho học sinh tham gia kỳ thi chung do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

(Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019)

         Ngoài những ý kiến hoàn toàn ủng hộ thì cũng có những ý kiến băn khoăn việc bỏ thi Tốt nghiệp THPT có vướng luật hay không.

“Luật quy định có thi mà không tổ chức thi thì có đúng không? Trong tình trạng khẩn cấp có thể có những thủ tục pháp lý dừng thực hiện một điều khoản nào đó của một Luật hiện hành được không?” (TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM).

Về vấn đề này, theo ông Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, thì khi Luật đã quy định phải tuân thủ, nếu không sẽ chẳng có giá trị và còn tác dụng ngược. Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Marie Curie, Hà Nội cũng đề xuất phải thi và chỉ nên thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội.

Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Luật Giáo dục năm 2015 và Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định rất rõ đối với chương trình THPT, dự thi đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng trong tình hình hiện nay phải xác định nội dung trước thủ tục sau. Về mặt nội dung nếu cứng nhắc “phải thi” và tổ chức thi có thể sẽ “vỡ trận”, kéo theo hệ lụy sang năm khác. “Luật không quy định tổ chức thi dưới hình thức nào hay cụ thể như thi tập trung, địa phương, từng trường tổ chức” – ông Sơn phân tích. Hiện nay, Bộ đã công nhận dạy trực tuyến, các trường cũng có thể dạy trực tuyến thông qua nhiều phương thức. Như vậy có hai phương án đặt ra là tổ chức thi tập trung hoặc thi trực tuyến. Vì vậy, theo ông Sơn, đầu tiên phải xác định cho học sinh hoàn thành chương trình. Khi đó, nếu dịch bệnh kết thúc, thi tập trung được là tốt nhất. Trong tình hình xấu hơn có thể thi trực tuyến, từng địa phương, từng trường tổ chức. Ông Sơn cũng nhìn nhận trong hợp đặc biệt, nếu xét tốt nghiệp thủ tục cũng rất đơn giản, đó là tạm thời ngừng hiệu lực Điều 34 Luật Giáo dục sửa đổi. Việc tạm ngừng hiệu lực Điều 34, Luật Giáo dục sửa đổi không cần dùng cơ chế khẩn cấp quốc gia như triệu tập họp Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định, nhưng trước đó phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nội dung: Điều 34 Luật Giáo dục sửa đổi tạm thời không áp dụng trong năm học này.


 Theo GS ĐÀO TRỌNG THI, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội: Ủng hộ phương án bỏ Kỳ thi THPT quốc gia nhưng đây không phải câu chuyện “một sớm một chiều”. 

Theo Luật Giáo dục hiện hành quy định, để có được bằng tốt nghiệp THPT, học sinh vẫn phải trải qua một kỳ thi. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường thì do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật Giáo dục không quy định bắt buộc đây là kỳ thi cấp quốc gia, cả nước phải làm bài tập trung. Bản thân việc xét tốt nghiệp THPT hoặc giao tổ chức thi về cho các trường thì đó vẫn là một kỳ thi. Chính vì thế, nếu không thi ở cấp quốc gia mà giao cho các trường tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.
Nếu vì dịch, chúng ta đặt vấn đề là “làm cho có” hay công nhận “khống”, làm để công nhận tất cả đều đạt tốt nghiệp thì nó lại là câu chuyện không thể chấp nhận và hậu quả sẽ để lại hàng chục năm sau, làm hỏng cả một thế hệ thì rất nguy hiểm. Cho đến bây giờ thì không thể đặt vấn đề trong một vài tháng nữa có thể xong một đề án mà mình chưa nghĩ. Tôi không nghĩ vì hoàn cảnh thực tế của dịch hiện nay mà có thể thay đổi được bản chất của kỳ thi hiện nay. Thế nhưng, về lâu dài, mình cần chủ động nghiên cứu đến phương án này chứ không phải vì dịch bệnh hiện nay.

Thêm vào đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét, tỉ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy, dù không có kỳ thi này, hầu hết học sinh vẫn tốt nghiệp. Đồng thời, chi phí tổ chức thi cũng không phải là một con số nhỏ. Ông Trần Tú Khánh, vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính Bộ GD-ĐT, xác nhận riêng tại Bộ GD-ĐT kinh phí tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mỗi năm khác nhau, có năm vài ba chục tỉ đồng, có năm 40-50 tỉ đồng nhưng cũng có năm hơn mức này. Đó là tiền từ Bộ GD-ĐT, còn việc tổ chức thi tại các tỉnh, thành do các tỉnh chi trả. Ngoài ra, theo TS Lê Trường Tùng (ĐH FPT), nếu tính tổng chi phí xã hội thì giả sử mỗi thí sinh 1 triệu đồng, khi đó 1 triệu thí sinh là 1.000 tỉ đồng.

Hiện nay, đã là những ngày gần giữa tháng 4, học sinh lớp 12 trên cả nước mới chỉ hoàn thành chương trình học kỳ I của năm học 2019-2020. Việc này đặt ra tốt nghiệp THPT năm nay sẽ như thế nào do thời gian nghỉ trách dịch Covid-19 kéo dài. Bộ Giáo dục và đào tạo cần cân nhắc kỹ lưỡng và sớm đưa ra quyết định để học sinh yên tâm ổn định tâm lý khi trở lại trường học tập sau một thời gian nghỉ quá dài./.

<Nguồn: Tổng hợp>

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG – KHỞI ĐẦU GIẤC MƠ NGHỀ NGHIỆP

Đăng ký trực tuyến