Không chỉ đơn thuần là nói chuyện với nhau, kỹ năng giao tiếp là tập hợp các quy tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày. Đây là một công cụ hữu hiệu giúp mọi người có thể giao tiếp hiệu quả, thuyết phục, thu phục lòng tin từ đối phương. Bài viết dưới đây giúp bạn đến gần hơn với các bậc thầy về lĩnh vực giao tiếp trên thế giới, lĩnh hội nhiều hơn những bí mật giao tiếp không phải ai cũng biết.
Kỹ năng giao tiếp là gì?
Hiểu một cách đơn giản, kỹ năng giao tiếp là khả năng truyền đạt thông tin, tín hiệu làm sao cho đối tượng tiếp thu và gửi lại phản hồi một cách tích cực nhất. Thông qua quá trình trao đổi thông tin qua lại giữa chủ thể giao tiếp và đối tượng giao tiếp, mối liên kết giữa hai chủ thể có sự liên kết chặt chẽ và mang lại một mục đích giao tiếp nhất định.
1. Giao tiếp bằng ánh mắt
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nơi thể hiện trọn vẹn tâm trạng cảm xúc, là điểm đón đầu quan trọng mà ai cũng nhìn vào khi tiếp xúc, giao tiếp trực tiếp. Eye contact – giao tiếp, kết nối qua ánh mắt chính xác là một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ mang lại cảm xúc mãnh liệt nhất. “Uống nhầm một ánh mắt cơn say theo cả đời”, không cần nói nhiều chỉ cần một ánh mắt chân tình có thể làm đối phương rung động. Chính tầm quan trọng như vậy, mỗi khi giao tiếp bạn nên thông qua nó để thể hiện sự tin tưởng, kiên định và nắm được vấn đề trong cuộc nói chuyện.
Tuyệt chiêu thu phục người đối diện là bạn nên nhìn thẳng vào ánh mắt đối phương khi giao tiếp. Hạn chế ánh mắt nhìn vu vơ hoặc nhìn xa xăm cho thấy sự lúng túng, thiếu tập trung vào cuộc nói chuyện. Khi lắng nghe chăm chú ai đó nói chuyện, hãy nhìn ngang sang một bên thay vì nhìn xuống đất. Điều này cho thấy bạn đang xử lý thông tin của cuộc trò chuyện hoặc đang cố gắng nhớ lại thông tin quan trọng thay vì cảm thấy không thoải mái.
Thực hành quy tắc 50/70 trong giao tiếp bằng ánh mắt. Nghĩa là bạn duy trì giao tiếp bằng ánh mắt 50% khi nói và 70% khi lắng nghe. Sử dụng tỉ lệ như vậy sẽ đem lại sự tương tác tốt nhất cho cuộc hội thoại.
2. Ngôn ngữ cơ thể
Body language là một yếu tố không thể thiếu trong ứng xử, giao tiếp. Nếu để ý, bạn sẽ thấy các nhà diễn thuyết, diễn giả nổi tiếng có thói quen sử dụng thành thục các cử chỉ, điệu bộ khi nói chuyện. Theo một nghiên cứu mới đây tại Đại học Harvard khẳng định rằng: giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể có thể gây ra phản ứng hóa học, giúp bản thân tự tin, giải phóng những lo âu, tác động mạnh mẽ đến người nghe. Đồng thời hình thành phong cách riêng của người nói.
Với sự hỗ trợ của đôi tay, bạn có thể minh họa rất rõ nét nội dung, ngữ cảnh của cuộc trò chuyện. Khi nói, lòng bàn tay mở biểu lộ sự cởi mở và thẳng thắn, không dấu diếm điều gì. Bàn tay nắm lại biểu thị sự không thân thiện, hoặc đang cố gắng giấu kín một bí mật nào đó. Cử chỉ gõ nhẹ xuống bàn khi nói chuyện thể hiện sự cân nhắc trong suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định.
Một cái bắt tay cũng nói lên nhiều điều. Một cái bắt tay lỏng lẻo thể hiện sự yếu đuối, rụt rè, bất an. Một cái bắt tay lướt nhanh thể hiện sự kiêu ngạo, giả vờ, gây ác cảm. Ngược lại một cái bắt tay nồng nhiệt vừa phải gây thiện cảm, truyền đạt sự tự tin, ổn định, mở ra một cuộc đối thoại mới, thậm chí là một tình bạn mới.
3. Chăm chú lắng nghe đối phương và tiếp lời
Dân gian thường ví: “Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương”. Một người nói giỏi cũng là một người lắng nghe giỏi. Khi bạn biết lắng nghe cũng là lúc câu chuyện sẽ đạt đến mức độ đồng cảm và thấu hiểu. Ở phương diện người nghe, bạn nên hạn chế cái tôi, hãy học cách nhìn nhận vấn đề và trở thành người sâu sắc cũng rất quan trọng trong cuộc sống.
Để học cách lắng nghe bạn nên cần tập trung, tránh ngắt lời đối phương. Thi thoảng gật đầu, mỉm cười là những dấu hiệu cho người đối diện biết rằng bạn vẫn đang chú ý và quan tâm tới họ.
Cuộc hội thoại chỉ thực sự hiệu quả khi có đối thoại song phương. Bạn không thể cứ để đối phương nói mãi mà bạn chỉ ngồi yên không tương tác gì. Lúc này, bạn cần tới kỹ năng đặt câu hỏi trong giao tiếp. Bạn cần trao đổi, phản hồi những thông tin nghe được, biết cách đặt câu hỏi để đối phương biết rằng bạn vẫn đang theo dõi câu chuyện, quan tâm tới điều họ nói.
4. Bài học kinh nghiệm
Kỹ năng giao tiếp là một quá trình học hỏi và thực hành thường xuyên. Để phát triển kỹ năng giao tiếp không cách nào khác là rèn luyện và trau dồi thông qua các trải nghiệm giao tiếp thực tế. Đây thực sự là một mắt xích quan trọng giúp xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ trong cuộc sống. Năm vững 3 nguyên tắc này sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp hoàn thiện.
(Tổng hợp – Mỹ Trinh)