Những năm gần đây, thị trường luôn thiếu một lực lượng lớn lao động có tay nghề kỹ thuật, nên việc khuyến khích học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nhiều người quan tâm.
“Khát” lao động có tay nghề kỹ thuật
Theo thống kê nhu cầu nhân lực của Việt Nam trong 2 năm trở lại đây, cũng như giai đoạn tới (đến năm 2025) của nhiều tổ chức, đơn vị khảo sát độc lập cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật trình độ cao vẫn rất lớn. Trong đó, nhân lực qua đào tạo bậc cao đẳng chiếm hơn 17%, trung cấp hơn 26%, sơ cấp nghề – công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm gần 27,4%.
Tại Phú Yên, nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp để đặt hàng và tuyển dụng lao động có tay nghề kỹ thuật nhưng tuyển không đủ do lượng học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không nhiều.
ThS Huỳnh Mạnh Nhân, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung), cho biết: “Thực tế những năm qua cho thấy, sau các kỳ thi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ngay tại trường rất đông. Có những ngành nghề, học sinh, sinh viên còn chưa học xong, doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Tại những buổi lễ tốt nghiệp, thường có từ 80-90% học sinh, sinh viên được tuyển dụng ngay”.
Vì thị trường đang “khát” một lực lượng lớn lao động có tay nghề kỹ thuật, nên việc khuyến khích học sinh theo học các hệ nghề ngắn hạn, trung cấp hay cao đẳng được Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đặc biệt chú trọng với nhiều chính sách thuận lợi cho người học.
Một buổi thực hành nghề Cơ điện tử tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung
ThS Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: Ngoài việc miễn giảm 100% học phí cho học sinh THCS khi học nghề, các trường còn cam kết việc làm song hành với quá trình đào tạo. Điều này không chỉ tạo sự an tâm về đầu ra công việc cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, mà còn mang đến động lực, sự cố gắng cho chính bản thân người học trong quá trình học.
Nỗ lực thu hút người học
Để thu hút học sinh học nghề, thời gian qua các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực rất nhiều trong việc đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh THCS, THPT, từ đó, các em có thêm những thông tin bổ ích trong việc lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai của mình, xóa bỏ suy nghĩ đại học mới là con đường duy nhất.
Năm học 2019-2020, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tuyển được 1.353 học sinh, sinh viên. Trong đó, trình độ cao đẳng có 581 sinh viên; trình độ trung cấp 772 học sinh. Trong số 1.352 học sinh, sinh viên này có đến hơn 1.000 học sinh mới chỉ tốt nghiệp THCS. Theo TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường, nếu các em được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS, xã hội sẽ có thêm lực lượng lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.
Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được Nhà nước đầu tư khá mạnh mẽ, các điều kiện bảo đảm chất lượng được nâng lên, chất lượng và hiệu quả của các trường nghề đã có khởi sắc rõ nét. Trong hai năm vừa qua, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có sự chuyển biến tích cực không chỉ đầu vào mà cả đầu ra, khi hầu hết học sinh, sinh viên hệ thống giáo dục nghề nghiệp ra trường đều có việc làm, thu nhập ổn định từ 6 triệu đồng/tháng trở lên; nhu cầu của thị trường về lực lượng lao động có tay nghề ngày càng tăng. Đây là một lực hút hấp dẫn đối với lao động trẻ tham gia giáo dục nghề nghiệp.
Từ năm 2019, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lựa chọn, phê duyệt ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2020-2025 nhằm sớm giải quyết “bài toán” khan hiếm nhân lực kỹ thuật lành nghề. Theo đó, có 289 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ (trong đó 62 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 93 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN và 134 ngành, nghề cấp độ quốc gia). Các ngành, nghề được lựa chọn là có nhu cầu nhân lực lớn phù hợp với yêu cầu phát triển nhân lực có tay nghề của ngành, địa phương, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, cạnh tranh quốc gia và gắn với thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trong xu thế hội nhập. Vì vậy học sinh, sinh viên theo học cũng được thụ hưởng nhiều chính sách như hỗ trợ tài chính, thu hút nhân tài, tuyển dụng…
Thúy Hằng
Báo Phú Yên Online