Bà Akiko Sakamoto – chuyên gia cao cấp phát triển kỹ năng nghề và việc làm khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) với gần 20 năm kinh nghiệm, nhận định về những khó khăn trong việc đào tạo nghề hiện nay.

Thầy Nguyễn Thanh Vân  hướng dẫn học sinh Trung cấp kết nối dây vào máy điện tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung – Ảnh THẾ ANH

 

Với công việc của mình, bà Akiko Sakamoto đã nhiều lần đến Việt Nam hỗ trợ, đóng góp cho việc đào tạo nghề. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Akiko Sakamoto chia sẻ:

– Đào tạo nghề ở Việt Nam có ba thách thức lớn như các nước ASEAN đang gặp phải. Thứ nhất, sự quan tâm gắn kết của doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nghề còn thiếu. Có thể những chính sách chưa đủ động cơ, động lực để doanh nghiệp thấy rằng đào tạo nghề là một phần thiết thực, một khoản đầu tư trong hoạt động của họ.

Thứ hai, có vẻ như hệ thống đào tạo nghề hiện nay thiên về sinh viên trong hệ thống đào tạo chính quy hơn. Còn với những người làm việc ở doanh nghiệp rồi, họ có được tiếp tục đào tạo nghề hay không rất ít được quan tâm.

Trong khi đó, đào tạo nghề là một quá trình liên tục. Người đang làm việc tại doanh nghiệp – công nhân vẫn cần cơ hội đào tạo nghề nâng cao. Tương tự, những người ở khu vực nông thôn, khu vực kinh tế phi chính thức rất ít được đào tạo nghề.

Thứ ba, chúng ta hay nói về việc tăng trưởng không bỏ ai lại phía sau. Trong khi kỹ năng nghề là điểm bắt đầu cần thiết để cho người dân trong tổng thể tăng trưởng ấy lại chưa được quan tâm đúng mức.

“Kỹ năng của người lao động cần phải được coi trọng và giúp họ phát triển sự nghiệp tốt nếu họ giỏi nghề. Người trẻ nhìn thấy tương lai tươi sáng khi tham gia học nghề, họ sẽ mong muốn được học nghề.”

Bà Akiko Sakamoto

* Vậy theo bà, cần phải làm những gì để giải quyết những thách thức trên?

– Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Việt Nam đang có những thay đổi tích cực, cải cách để giáo dục nghề nghiệp gần hơn với doanh nghiệp. Tôi nghĩ điểm này đi rất đúng hướng. Doanh nghiệp phải thấy được vai trò của họ trong phát triển kỹ năng nghề.

Việc này không phải trách nhiệm xã hội, mà hỗ trợ phát triển chính công ty, doanh nghiệp của họ. Nói rộng ra, phát triển một nhóm người có kỹ năng cho đất nước nhưng sẽ ảnh hưởng tích cực đến lợi ích công ty của chính họ.

Ngoài ra, đa dạng trong đào tạo sẽ giúp giải quyết những thách thức nhanh hơn. Đa dạng này là phải gắn nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của các ngành bởi mỗi ngành có mức độ thay đổi, tính chất khác nhau. Nhà nước vẫn giữ vai trò điều phối nhưng những mô hình, dạng đào tạo phải gắn với nhu cầu cụ thể, chứ không nói chung chung nhu cầu mỗi ngành.

Tiếp đó, quản lý nhà nước phải gắn với những gì của địa phương, bởi mỗi địa phương có những đặc thù như khu vực này cần có nhiều lao động không được đào tạo hơn khu vực khác. Do đó, muốn nâng cao kỹ năng nghề cho người địa phương thì trung ương phải gắn thực tế địa phương.

* Có thực tế là nhiều bạn trẻ tại Việt Nam và gia đình của họ không muốn học nghề, ở các nước khác thì sao, thưa bà?

Ngoài ra, phải tạo điều kiện để ai cũng nghĩ rằng mình không có điều kiện học trường chính quy sẽ được đào tạo tại chỗ, ngoài giờ để nâng cao kỹ năng nghề của mình.

Song song đó là hệ thống công nhận bằng cấp, chứng chỉ cho phép học ở đâu cũng được, học trên công việc cũng được. Nhưng khi cần có thể đến những trung tâm đánh giá để kiểm tra và nhận bằng cấp.

Có bằng rồi, người lao động sử dụng không chỉ làm việc tại doanh nghiệp mà vươn cao hơn trong con đường phát triển nghề nghiệp của họ.

* Giả sử có một bạn trẻ tìm gặp bà xin lời khuyên về chọn nghề để học thời điểm hiện nay, bà sẽ nói gì với bạn ấy?

– Thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng. Những nghề hôm nay có thể biến mất vào ngày mai. Nếu tôi nói về nghề cố định nào đó thì trong tương lai, khi bạn ấy học xong nó sẽ không còn thời thượng nữa, mà sẽ thoái trào.

Nhưng tôi sẽ nói để có công việc tốt, bạn phải tạo nền tảng giáo dục tốt và những kỹ năng mềm cần thiết giúp bạn sẵn sàng với các loại công việc và dành cho tất cả những nghề cố định.

Ý tiếp theo tôi muốn đề cập đến là hướng nghiệp. Người trẻ nghĩ rằng học ngành nào ra làm ngành đó. Nhưng thực tế đôi khi không phải như thế. Học ngành này có thể sẽ làm ngành khác.

Ngoài việc học ở trường, kỹ năng nghề cũng sẽ được bồi đắp trong quá trình bạn làm những công việc theo lựa chọn của bạn.

Nắm những điều này, bạn sẽ thích ứng tốt hơn với công việc trong tương lai.

Tương lai của việc làm rất khó nói khi công nghệ phát triển từng ngày từng giờ. Do đó, kỹ năng của từng cá nhân sẵn sàng cho sự thay đổi đó là quan trọng nhất. Về công nghệ, tôi cho rằng mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình những ứng dụng công nghệ riêng và người lao động sẽ bị rủi ro trong những lựa chọn đó. Nhưng tôi cũng cho rằng thông qua đối thoại xã hội giữa chủ doanh nghiệp, đại diện lao động và người lao động sẽ không ai bị bỏ lại phía sau nếu như có bất kỳ sự thay đổi nào”.

                                                                                                                              Bà Akiko Sakamoto

Theo Hà Bình

Báo Tuổi Trẻ Online