Sau khi biết điểm thi THPT quốc gia (dự kiến công bố vào ngày 14/7), các thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Đây sẽ là thời điểm quan trọng với các học sinh, vì vậy, bên cạnh sở trường, năng khiếu, các bậc phụ huynh cũng nên định hướng nghề nghiệp cho con em phù hợp với nhu cầu xã hội.

 Tránh áp đặt

Xu hướng nghề nghiệp ngày càng đa dạng, song trên thực tế, một bộ phận học sinh do chưa am hiểu hết về ngành nghề đã lựa chọn ngành nghề không phù hợp.

“Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó vai trò của gia đình trong hoạt động hướng nghiệp cho con em là đặc biệt quan trọng”, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) đã nói như vậy tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2019 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Phú Yên và Trường đại học Phú Yên tổ chức tại tỉnh vừa qua.

Theo ông Giang, nhiều phụ huynh cứ nghĩ hoạt động giáo dục hướng nghiệp do nhà trường thực hiện và cho rằng con em phải vào THPT thì mới định hướng việc chọn nghề, chọn trường. Quan điểm như vậy là chưa đúng.

Cha mẹ cần dành thời gian tìm hiểu về yêu cầu, đặc điểm và tính đặc thù của ngành nghề mà mình muốn định hướng cho con cái để có thể giúp con em xác định đâu là ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực. Những hiểu biết cặn kẽ cùng sự định hướng kịp thời sẽ tạo tiền đề quan trọng để các em xác định hướng đi đúng trong chọn ngành, chọn trường sẽ học.

Chị Huỳnh Mỹ Kim Cương là phụ huynh em Phan Huỳnh Yến Ngọc, học sinh chuyên Anh (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) cho hay: Con gái tôi thích ngành Thiết kế thời trang của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, khi tham gia Chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2019 tổ chức tại Phú Yên, hai mẹ con được PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường này tư vấn thêm một số ngành học mà học sinh chuyên Anh có thể lựa chọn như sư phạm Anh, Ngôn ngữ Anh và một số ngành học khác liên quan đến ngoại ngữ này. Với sự tư vấn trực tiếp của các chuyên gia từ các trường đại học đã giúp học sinh lẫn phụ huynh hiểu rõ về ngành nghề sẽ chọn”.

Theo các chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm, thay vì áp đặt trường học, nghề nghiệp cho con em mình thì việc tham khảo thông tin về tổng quan thị trường lao động, hay xu hướng ngành nghề những năm tới sẽ là những cái nhìn rõ nét hơn để định hướng nghề nghiệp cho các em. Thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ chỉ vì “sĩ diện” mà không ngần ngại áp đặt con cái học những ngành nghề mà con không thích cũng như không cần biết sức học của con mình như thế nào, miễn sao vào đại học là được.

Gia đình đóng vai trò quan trọng

Định hướng nghề nghiệp là một hoạt động quan trọng không thể thiếu ở các trường phổ thông, đặc biệt là THPT, được các bậc phụ huynh, học sinh quan tâm. Đây là giải pháp căn bản để giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề và hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, cũng như nhu cầu lao động xã hội.

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thời gian qua các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã triển khai nội dung giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế; tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, nhiều trường đã chủ động phối hợp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông với các hoạt động tư vấn tuyển sinh… nên phần nào làm thay đổi nhận thức từ phụ huynh, học sinh trong chọn ngành nghề.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng nhận định: Với học sinh THPT, việc lựa chọn nghề nghiệp trở thành nhu cầu cấp thiết. Các em thường bận tâm với những câu hỏi: Vào trường đại học nào? Học ngành gì? Vì vậy, phụ huynh cần phải nhận thức rằng việc hướng nghiệp cho con cái là phải thực hiện đồng bộ trong khoảng thời gian dài. Không nên đợi đến khi các em học lớp 12 mới hướng nghiệp.

Hiện các thí sinh và phụ huynh đang chờ kết quả điểm thi THPT quốc gia để có sự điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Một trong những lời khuyên của các chuyên gia mỗi mùa tư vấn tuyển sinh là những thí sinh có kết quả thi THPT quốc gia quá chênh với dự đoán mới nên điều chỉnh nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Việc điều chỉnh là không cần thiết đối với những em đã sở hữu mức điểm sát với dự đoán ban đầu. Các phụ huynh và thí sinh nên chọn trường có thế mạnh trong lĩnh vực mà các em chọn học.

CÔ TRẦN THỊ KIM LONG, TRƯỜNG THCS NGUYỄN THÁI BÌNH (HUYỆN TUY AN):  Gia đình cần nhận thức đúng năng lực học tập của con em mình 

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh vì là người hầu như hàng ngày tiếp xúc với các em, biết rõ năng lực học tập, tính cách, hoàn cảnh của các em. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chủ động kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô giáo bộ môn để tăng cường các hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho con em mình.

Theo quy chế tuyển sinh của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp năm 2019, học sinh tốt nghiệp THCS là có thể xét tuyển vào trình độ cao đẳng. Theo học chương trình này, các em vừa học nghề vừa học văn hóa rất thuận lợi nên trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, giáo viên chúng tôi khuyên học sinh có học lực hạn chế nên chọn hướng học nghề.

Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh các em lại không đồng ý, họ chỉ muốn con em tiếp tục vào lớp 10 để sau ba năm theo học THPT thì vào đại học. Chính suy nghĩ này của phụ huynh làm cho việc triển khai và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường học vẫn còn những khó khăn nhất định. Mong rằng gia đình cần nhận thức đúng đắn và tổ chức phối hợp với các lực lượng giáo dục trong định hướng nghề nghiệp cho chính con em mình ngay sau khi tốt nghiệp THCS chứ không phải đợi đến bậc THPT.

NGUYỄN THỊ NHÃ PHƯƠNG, HỌC SINH TRƯỜNG THPT TRẦN SUYỀN (HUYỆN PHÚ HÒA):  Phụ huynh cũng cần được tư vấn

Gia đình em ở nông thôn nên ba mẹ ít khi quan tâm nhiều đến tâm tư, nguyện vọng của con cái. Mỗi khi nghe người này, người kia bảo học ngành này dễ xin việc, ngành kia khó xin việc là ba mẹ lại hoang mang.

Trong quá trình tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh, em mới vỡ ra nhiều điều như, nhiều trường đại học lớn có tỉ lệ sinh viên phải nghỉ học sau một năm học đại học lên đến 30% mà lý do chính chỉ vì lựa chọn sai ngành nghề và môi trường đào tạo. Đây là điều làm em phải cân nhắc kỹ khi chọn trường, chọn ngành.

Chính vì thế, em nghĩ không chỉ thí sinh mà cả phụ huynh cần được tư vấn, giải đáp đầy đủ các thông tin liên quan đến học phí, chương trình đào tạo, những ngành học xã hội đang có nhu cầu cao, những lĩnh vực nghề nghiệp thí sinh có thiên hướng, sở trường để cả thí sinh lẫn phụ huynh có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Theo Thúy Hằng

Báo Phú Yên Online