Theo lộ trình của Sở GD-ĐT TP.HCM, đến năm 2020, tại TP.HCM chỉ có 70% học sinh sau THCS học tiếp lớp 10 công lập, 30% sẽ vào học các khối trường khác. Công tác phân luồng sau THCS đã được các trường THCS đẩy mạnh, tuy nhiên kết quả vẫn chưa cao do còn “vướng” ở khâu hướng nghiệp.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.4) xem thông tin ngành nghề đào tạo ở bậc TC trong một ngày hội tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh THCS
Theo các nhà quản lý giáo dục, công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS tại các trường hiện nay còn yếu phần nhiều do chịu áp lực từ tâm lý phụ huynh cũng như tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội. Để làm tốt công tác phân luồng, ngoài việc cải thiện tâm lý này cần có sự phối hợp một cách bài bản giữa nhà trường và các đơn vị liên quan.
“Cô trù cho con tôi… trượt à?”
“Khó nhằn” nhất trong công tác phân luồng cho học sinh sau THCS, theo các nhà quản lý giáo dục, vấn đề không phải nằm ở học sinh mà chính là… phụ huynh, đặc biệt là khâu “hướng nghiệp” cho phụ huynh. “Họp phụ huynh cuối năm học, cứ đến khi đại diện các trường nghề nói chuyện là phụ huynh bỏ về gần hết. Phụ huynh không muốn nghe vì họ không có nhu cầu cho con theo học bậc nào khác ngoài gắng sức vào lớp 10 công lập”, cô Mai Thị Thu (Hiệu trưởng Trường THCS An Phú, Q.2) chia sẻ.
Thậm chí, cô Thu cho hay, khi giáo viên chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh về sức học của con cái họ và đưa ra lời khuyên cho học sinh theo học nghề hoặc các lựa chọn khác thay vì lựa chọn vào lớp 10 công lập thì phụ huynh phản ứng rất gay gắt. “Nhiều phụ huynh còn hỏi ngược lại giáo viên là “cô trù cho con tôi thi trượt để đi học nghề à?”. “Ác” hơn nữa là phụ huynh còn đổ cho giáo viên có thành kiến với con cái họ”, cô Thu than thở.
Với băn khoăn này, thầy Thái Văn Châu (Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình, Q.Tân Bình) nói rằng trên thực tế hiện nay rất ít phụ huynh tự nguyện “chịu” để con em mình rẽ hướng sang học nghề hay GDTX mà thường nhất nhất “bắt con thi vào lớp 10 công lập”. Chính tâm lý này của phụ huynh đã đẩy nhà trường vào “thế bí” trong công tác phân luồng bởi học sinh THCS đâu đã đủ quyền để tự quyết định bậc học cho mình mà phải cần đến sự đồng hành của phụ huynh.
Là một trong số ít trường thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng sau THCS khi mỗi năm số học sinh khối 9 tự nguyện chuyển sang học nghề, GDTX lên đến gần 20%. Thế nhưng, thầy Tân Trung Nghĩa (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4) cũng than thở rằng việc “hướng nghiệp” cho phụ huynh không hề dễ dàng. “Không phải một sớm một chiều mình kêu gọi phụ huynh cho con học nghề là họ thực hiện liền đâu. Nếu mình làm không khéo, phụ huynh sẽ nghĩ rằng con cái họ đang bị nhà trường “coi thường”. Phải có lộ trình và thực hiện một cách kiên trì, đặc biệt là công tác chủ nhiệm phải sát sao ngay từ đầu năm học”, thầy Nghĩa cho biết.
Trong khi đó, cô Dương Ngọc Huệ (giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4 Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4) chia sẻ: “Phụ huynh thường kỳ vọng cao về sức học của con em mình, nên nếu giáo viên nói suông thì không được. Ngay từ đầu năm học, khi bắt đầu nhận lớp chủ nhiệm là tôi đã tìm hiểu về sức học và hoàn cảnh của từng em, nhưng không quên khuyến khích động viên các em cố gắng học tập bằng việc đưa các em đi thăm một số mái ấm, nhà mở nuôi dạy trẻ mồ côi. Với những học sinh có sức học yếu, kém, trong từng tháng tôi đều có trao đổi riêng với phụ huynh để phụ huynh nắm rõ sức học của con. Từ những điều đó, đến cuối năm khi tôi tư vấn lựa chọn các hướng đi cho học sinh, phụ huynh đều hết sức cân nhắc”.
Phải kết hợp bài bản từ các phía
Thời lượng học hướng nghiệp tại các trường THCS tại TP.HCM hiện nay thường chỉ tiến hành với học sinh khối 8 và khối 9. Theo đó, học sinh khối 8 sẽ được làm quen với một số ngành nghề như điện, thủ công mỹ nghệ, nấu ăn… qua các tiết học nghề, mỗi tuần 2 buổi vào ngày thứ bảy. Với học sinh khối 9, ngay đầu năm học sẽ được tìm hiểu về các ngành nghề theo nhiều chuyên đề, đến thời điểm cuối năm học (cuối tháng 5) sẽ được trực tiếp đến các cơ sở dạy nghề hay làng nghề tại địa phương để tham quan. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý giáo dục, với thời lượng học hướng nghiệp như thế này, học sinh mới chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” về các ngành nghề chứ chưa có sự tìm hiểu sâu để có thể biết mình thích gì, hợp gì.
“Các buổi đi tham quan trải nghiệm tại làng nghề hay trường TC nghề phần nhiều tâm lý học sinh coi đó như buổi… dã ngoại vậy. Thậm chí, nhiều trường TC nghề cũng chỉ gọi là hướng dẫn cho có, không có gì đặc sắc thu hút học sinh”, hiệu trưởng một trường THCS tại Q.8 phàn nàn.
Để công tác phân luồng từ bậc THCS được tốt, tránh hiện tượng “dồn toa” vào các trường THPT công lập, cô Lê Thị Hồng Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trương Công Định, Q.Bình Thạnh) cho rằng ngoài công tác “đả thông tư tưởng” cho phụ huynh thì quan trọng không kém là cần phải có sự phối hợp bài bản hơn nữa trong việc hướng nghiệp cho học sinh giữa các trường và các đơn vị liên quan. Làm sao khi đến làng nghề hay trường TC nghề, các em không chỉ được lắng nghe kiến thức về lý thuyết mà còn được trải nghiệm nhiều hơn về các ngành nghề để tìm hiểu năng lực, sở thích của bản thân.
Trong khi đó, cô Mai Thị Thu lại mong muốn phụ huynh đồng hành cùng học sinh hơn nữa trong khâu hướng nghiệp, phân luồng. “Cách nhìn của phụ huynh phải thay đổi, đừng quá chú trọng, áp lực vào việc con em mình phải học THPT công lập. Đặc biệt là tâm lý chuộng bằng cấp, thành tích của xã hội cũng cần phải thay đổi…”, cô Thu bày tỏ.
Đỗ Yến
(Theo Báo giáo dục Online)