Năm 2019, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung là một trong 45 trường được Bộ LĐ-TB-XH chọn đào tạo thí điểm nghề Cắt gọt kim loại trong 22 bộ chương trình chuyển giao từ Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức. Đây được xem là cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là với các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Trao đổi với Báo Phú Yên về nội dung này, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

TS. Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công Thương miền Trung

 

Đây là cơ hội rất tốt để trường phát triển. Bởi khi tham gia đào tạo thí điểm này, trường sẽ được đào tạo bồi dưỡng giáo viên, được nhận các bộ chương trình, được đầu tư cơ sở vật chất đào tạo theo tiêu chuẩn của CHLB Đức. Người học đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp hai bằng theo quy định của CHLB Đức và của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và có thể làm việc tại CHLB Đức.

* Thưa tiến sĩ, chương trình đào tạo nghề theo chuẩn Đức có gì khác so với chương trình đào tạo nghề hiện hành?

– Đức là một trong những quốc gia đi đầu về đào tạo nghề trên thế giới với bằng cấp nghề được công nhận rộng rãi. Ngoài ra, Đức là đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với Việt Nam và Đức đã thực hiện công việc chuyển giao bộ chương trình tương tự với nhiều quốc gia khác nên có tính chuyên nghiệp cao.

Hệ thống đào tạo nghề “kép” của Đức là học lý thuyết, kỹ năng ở trung tâm đào tạo và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3-3,5 năm, tùy theo nghề học. Tuy nhiên, ngay cả việc học lý thuyết cũng được tiến hành trên các module thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình chứ không phải học chay. Học theo mô hình này, chương trình đào tạo hơn 6.000 giờ (trong khi đó chương trình cao đẳng Việt Nam thì chỉ khoảng 3.000 giờ), sinh viên học 30% chương trình lý thuyết ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 70% thực hành ở doanh nghiệp.

Khi đến doanh nghiệp, sinh viên hoàn toàn thực hành trên máy móc. Các em được giao những công việc từ đơn giản đến phức tạp tương ứng với thời gian học nghề và được hướng dẫn tỉ mỉ. Mặt khác, khi học nghề tại doanh nghiệp, người học được ký hợp đồng và được doanh nghiệp hỗ trợ về tài chính, được nhận vào làm sau khi tốt nghiệp mà không phải thực tập nghề nữa.

22 bộ chương trình của 22 nghề do Đức chuyển giao cho Việt Nam đã có văn bản công nhận bản quyền của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời cũng đã được Viện Tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề của Leipzig (HWK Leipzig) của Đức công nhận. Trong từng bộ chương trình đã có quy định cụ thể về quy định đào tạo, chương trình đào tạo, tài liệu học tập/giảng dạy, bộ công cụ đánh giá học tập và bộ danh mục thiết bị.

* Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã chuẩn bị những điều kiện gì để đào tạo chương trình này?

– Nhà trường tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo tham gia dạy chương trình chuyển giao như: Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tay nghề, tham gia thi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; mời giáo viên bản ngữ kết hợp với giáo viên bộ môn tiếng Anh tổ chức bồi dưỡng các kỹ năng ngoại ngữ cho các nhà giáo (đảm bảo đạt tối thiểu bậc 4/6); triển khai thành lập Trung tâm Khảo thí ICDL để cấp chứng chỉ kỹ năng công nghệ thông tin quốc tế cho đội ngũ nhà giáo, cùng cán bộ viên chức, người lao động trong khu vực có nhu cầu. Trường cũng đã cử 4 nhà giáo tham gia khóa tập huấn chuyển giao chương trình tại CHLB Đức.

Về cơ sở vật chất, ngành Cắt gọt kim loại được nhà trường tập trung đầu tư theo hướng chuẩn hóa từ phòng học chuyên môn, giáo trình, tài liệu tham khảo trong và ngoài nước, cập nhật thường xuyên theo hướng mô hình hóa, mô phỏng… cơ bản đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo chuẩn CHLB Đức.

* Theo học chương trình này, người học cần chuẩn bị tâm thế như thế nào?

– Người học chương trình này phải có đủ các điều kiện như: Kết quả học tập sau THCS, THPT đạt từ trung bình khá trở lên; có trình độ ngoại ngữ đầu vào là bậc 2/6, đầu ra là 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Sinh viên học chương trình này cần trau dồi thêm các kỹ năng, kiến thức về văn hóa, xã hội của CHLB Đức và các nước phát triển khác, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học. Đồng thời cần tự tin, chủ động tham gia các hoạt động kết nối, chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên giữa các trường trong khu vực và thế giới.

Sau khi hoàn thành khóa học, người học sẽ được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Đức (do HWK Leipzig cấp, tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức) và bằng tốt nghiệp Kỹ sư thực hành do Việt Nam cấp. Đây là cơ hội để người học nâng cao khả năng cạnh tranh về việc làm trên thị trường lao động trong nước và quốc tế.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Thúy Hằng

Báo Phú Yên Online