(GDVN) 18 năm tôi quản lý tại Deutsch Bank thì hầu hết những người quản lý chi nhánh chỉ có bằng đạo tạo nghề, nhưng cơ hội thăng tiến tương tự những người học Đại học.

Những năm gần đây, Giáo dục Hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau Trung học, gồm cả Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đã đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Thực tế những năm qua, việc lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội. Một số địa phương đã mở rộng thêm các nghề phổ thông mới phù hợp với nhu cầu của học sinh.

Thay vì tiếp tục học lên Trung học phổ thông hoặc đăng ký tuyển sinh Đại học, tỷ lệ học sinh đăng ký học nghề từ cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016 – 2017 học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở thi lên Trung học phổ thông khoảng 76%, vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp khoảng 7%, vào Trung cấp chuyên nghiệp khoảng 3%, Trung cấp nghề khoảng 5%, đi làm khoảng 9%.

Trong khi đó, học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông vào Đại học, Cao đẳng khoảng 41%; vào Cao đẳng nghề, Trung cấp chuyên nghiệp và Trung cấp nghề khoảng 23%; học nghề tại Trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%.

Phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi về “đào tạo nghề kép” 9+ với Giáo sư Andreas Stoffers – Giảng viên chuyên ngành Quản lý Quốc tế, tại Đại học SDI – Munich, đồng thời cũng là Thành viên Ủy ban Kinh tế Đối ngoại, Phòng Thương mại Munich – Đức.

Hệ thống Giáo dục Đức

Giáo sư Tiến sĩ Andreas Stoffers – Giảng viên chuyên ngành Quản lý Quốc tế, tại Đại học SDI – Munich, đồng thời cũng là Thành viên Ủy ban Kinh tế Đối ngoại, Phòng Thương mại Munich – Đức. Ảnh: Tùng Dương.

 

Giáo sư Tiến sĩ Andreas Stoffers chia sẻ: “Một tài sản khác của hệ thống Giáo dục Đức là “đào tạo nghề kép” bên ngoài các trường Đại học.

Ở Đức, những người trẻ tuổi có định hướng thực tiễn không cần phải học tại một trường Đại học để tạo dựng sự nghiệp.

Người ta chỉ cần đào tạo nghề trong lĩnh vực thủ công hoặc thương mại. Vì đây là “đào tạo kép”, người học nghề học lý thuyết tại trường dạy nghề và thực hành tại các doanh nghiệp.

Khi học xong, họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ với trình độ và năng lực thực hành cao.

Những sinh viên tốt nghiệp tại Đức có danh tiếng rất cao trong nhiều lĩnh vực, thậm chí có thể kiếm nhiều tiền hơn so với sinh viên tốt nghiệp Đại học.

Bản thân tôi, một người quản lý 18 năm làm việc tại Deutsch Bank.

Trong khu vực của tôi, hầu hết những người quản lý chi nhánh chỉ có bằng đạo tạo nghề và không có bằng Đại học.

Nhưng họ làm việc rất tốt và cơ hội thăng tiến tại ngân hàng cũng tương tự như những người tốt nghiệp Đại học.

Kết hợp nghiên cứu, lý thuyết, giáo dục và thực hành phù hợp: Đó là bí mật thành công của nền kinh tế Đức”.

Hợp tác Giáo dục Đức và Việt Nam

Đức và Việt Nam đã gắn kết với nhau hơn bốn thập kỷ với việc hợp tác kinh tế chặt chẽ.

Trong khối EU, Đức là đối tác thương mại và kinh doanh quan trọng nhất của Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh truyền thống, Đức và Việt Nam cũng đang hợp tác trong một số lĩnh vực khác, như giáo dục và văn hóa.

Các công ty của Đức đã thúc đẩy hệ thống “đào tạo nghề kép” 9 + tại Việt Nam.

Nhân dịp “Tuyên bố chung Hà Nội”: Việt Nam và Đức – Những Đối tác chiến lược vì tương lai” được ký bởi Thủ tướng Đức – Tiến sĩ Angela Merkel, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2011, VGU được đánh giá là một dự án dẫn đường của mối quan hệ Việt – Đức.

Trong quan niệm Giáo dục của mình, VGU xây dựng dựa trên tiềm năng vốn có của cả hai nền văn hóa, và đầu tư vào tinh hoa giáo dục mới, vào tương lai bền vững cho Việt Nam.

Thế hệ trẻ mới của Việt Nam sẽ tự hòa nhập tính dân tộc và quốc tế, đóng góp đáng kể vào việc trao đổi văn hóa và chuyển giao công nghệ.

Hơn nữa, các tổ chức của Đức như Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), đứng đầu là Stefan Hase-Bergen, và Viện Goethe đang làm công việc xuất sắc cho việc trao đổi giáo dục và văn hóa giữa hai nước.

Việc dạy các kỹ năng ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng. Mặc dù tiếng Anh có thể là ngôn ngữ thế giới, nhưng chắc chắn là không đủ nếu chỉ nói một ngoại ngữ. Ví dụ, ở châu Âu, người nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ gần gấp hai lần người nói tiếng Anh”, Giáo sư Andreas Stoffers nói.

Việt Nam là đất nước duy nhất ở châu Á, có hơn 100.000 người có thể nói tiếng Đức.

Ngoài ra còn có hơn 120.000 người Việt đang sinh sống tại Đức.

Nói chung đây là cơ sở tuyệt vời để tăng cường hợp tác kinh doanh và giáo dục.

“Đức thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề nên nhu cầu về người Việt Nam được đào tạo giỏi, nói tiếng Đức ở Đức là rất cao bao gồm các chuyên gia chăm sóc người già, lão khoa và điều dưỡng, tài xế đầu máy xe lửa, thợ thủ công và kỹ sư.

Tuy nhiên, nếu không biết tiếng Đức sẽ không làm được gì, chính vì vậy mà trường Đại học Ngôn ngữ Ứng dụng SDI Munich đã có mối quan hệ hợp tác với các trường Ngôn ngữ ở Việt Nam trong nhiều năm qua .

Chúng tôi cũng khảo thi nhiều đợt trong một năm tại Việt Nam (TELC B1 và B2), góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục.

Ngoài các nhiệm vụ ở Munich, bản thân tôi cũng giảng dạy với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng tại VGU và rất vui khi thấy sinh viên Việt Nam rất háo hức học hỏi”, Giáo sư Tiến sĩ Andreas Stoffers nhấn mạnh.

Việt Nam cần phải làm gì?

Giáo sư Tiến sĩ Andreas Stoffers nêu quan điểm: “Vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm ở Việt Nam, đặc biệt là:

– Kiểm định chất lượng được chứng nhận Quốc tế, điều này cũng sẽ dẫn đến việc đóng cửa nhất quán những Trường Đại học chất lượng đào tạo kém.

– Hội nhập Quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu

– Định hướng Giáo dục Đại học dựa theo yêu cầu của thị trường lao động bao gồm Giáo dục Đại học thực tế hơn và cải thiện đào tạo nghề theo các đường lối của hệ thống Giáo dục Đức

– Giới thiệu các phương pháp giảng dạy theo định hướng năng lực hiện đại.

– Thành lập và mở rộng các Trường Đại học – nghiên cứu.

Trong tất cả các vấn đề này, Đức và các tổ chức của Đức đều có thể hỗ trợ Việt Nam. Riêng tôi có nhiều ràng buộc với Việt Nam và con người nơi đây, tôi rất vui được hợp tác với nhiều trường Đại học, trường học và tổ chức Việt Nam.

Giáo dục là chìa khóa để thành công, cho cả cá nhân và xã hội. Đức và Việt Nam nên hợp tác trong các lĩnh vực học ngôn ngữ, đào tạo nghề, trao đổi nhân viên, nhập cư và học viện”.

Hội nghị DAAD tại Hà Nội

Vào ngày 16 và 17 tháng 5, Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đã triển khai Diễn đàn kết nối Erasmus + (một chương trình trao đổi sinh viên của liên minh Châu Âu, được thành lập vào nằm 1987), cùng với đại diện của 20 trường Đại học Đức và 80 trường Đại học đến từ Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Malaysia.

Mục tiêu chính của Diễn đàn kết nối Erasmus + là tăng cường và cải thiện hợp tác Giáo dục cao học giữa Đông Nam Á và Đức trong khuôn khổ Erasmus +, chương trình hiện tại của Liên minh Châu Âu (EU) về Giáo dục, Đào tạo, Tuổi trẻ và Thể thao.

Người tham gia được thông tin về các cơ hội tài trợ của Erasmus + với trọng tâm là Xây dựng Hành động chính 2 “nâng cao năng lực trong lĩnh vực cao học (CBHE).

Hội nghị cũng đã thông tin về các cơ hội di chuyển của Erasmus + và khả năng hợp tác song phương của DAAD giữa Đức và các nước Đông Nam Á.

Diễn đàn đã hỗ trợ các ứng viên tương lai của Erasmus + bằng cách tổ chức một cuộc hội thảo về ứng dụng, cũng như tạo điều kiện kết nối giữa các đại diện cao học Đức với các đối tác hiện tại và tương lai của họ ở Đông Nam Á.

Nhiều trường Đại học Việt Nam đã tham gia diễn đàn này. Sự kiện này là một thành công lớn cho tất cả các bên. Tôi chắc chắn, sự hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Đức đặc biệt sẽ được tăng cường trong những năm tới.

Theo Tùng Dương
Báo Giáo dục