Đi làm thêm từ năm nhất sẽ giúp sinh viên tăng cơ hội nằm trong top 5% ứng viên có việc làm lương cao sau khi tốt nghiệp.
Tại hội thảo “Những ngành nghề trong tương lai” do dự án Đại học VinUni tổ chức hôm qua, bà Thái Vân Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vingroup Ventures, chia sẻ những việc sinh viên cần chuẩn bị để xin việc sau khi ra trường.
Bà Thái Vân Linh chia sẻ tại hội thảo
“Bí quyết để thành công là acition. 20 năm qua, tôi nghĩ yếu tố chính giúp tôi được như hôm nay là luôn luôn hành động và làm việc chăm chỉ”, bà Linh nói.
Sinh viên tại Mỹ thường đi thực tập vào mùa hè chuẩn bị vào năm cuối. Bà Linh sau khi kết thúc năm 3 đã gửi CV đến 5 công ty kinh doanh lớn và đều nhận được lời mời đi phỏng vấn. Tuy nhiên, bà không trúng tuyển bất kỳ công ty nào. “Tôi đã đặt câu hỏi tại sao. Và bài học đó đã giúp tôi xây dựng một kế hoạch action khác”, bà Linh nói.
Việc ra trường có tìm được một công việc tốt với mức lương hấp dẫn hay không, theo bà Linh, được quyết định bởi cả quá trình cố gắng của ứng viên ngay từ ngày đầu đại học.
“Tại sao tôi đều vượt qua vòng CV của 5 công ty lớn để đến được vòng phỏng vấn? Ngay từ năm nhất, tôi đã ra ngoài làm việc và có 3 năm kinh nghiệm khi kết thúc năm 3 đại học”, bà Linh nói và cho rằng việc đi làm sớm chính là điểm khác biệt của bà lúc đó so với những sinh viên chỉ đi học và hoạt động CLB trong trường. Điều đó đã gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng.
Khuyên sinh viên nên chọn những công việc văn phòng để làm quen với môi trường làm việc trước, bà Linh cho rằng sinh viên cần cố gắng tích lũy trải nghiệm để vừa có thể viết vào CV, vừa có thể dùng trải nghiệm đó để rút kinh nghiệm, chuẩn bị tốt nhất cho những cuộc phỏng vấn xin việc sau khi tốt nghiệp.
Từ kinh nghiệm bị trượt vòng phỏng vấn của cả 5 công ty, nữ doanh nhân cho rằng ứng viên cần chuẩn bị chu đáo. “Đừng đến gặp nhà tuyển dụng với tâm thế mình có sao nói vậy và không chuẩn bị bất cứ điều gì. Đó là quan điểm không đúng”, CEO của Vingroup Ventures nói.
Các ứng viên nên tạo một file excel liệt kê yếu tố mà nhà tuyển dụng cần, hoặc tìm hiểu những câu thường được hỏi trong buổi phỏng vấn như thử thách lớn nhất bạn đã trải qua hay khả năng lãnh đạo của bạn… “Dưới từng chủ đề mình liệt kê, tôi chuẩn bị những câu chuyện để trả lời. Chuẩn bị trước không có nghĩa là bịa ra hay nói dối mà giúp bạn trình bày câu trả lời một cách rõ ràng, trôi chảy trong thời gian ngắn”, nữ doanh nhân chia sẻ.
Tuy nhiên, nhà tuyển dụng không phải bao giờ cũng hỏi những câu ứng viên đã chuẩn bị. Câu trả lời vì thế phải đa dạng và dùng được cho nhiều câu hỏi.
Khi trả lời phỏng vấn, bà Linh cho rằng ứng viên nên nhìn vào mắt nhà tuyển dụng, nói chuyện tự nhiên, dõng dạc và dứt khoát. “Khi tôi đi phỏng vấn người khác, các bạn trẻ dù là ở Việt Nam hay Mỹ vì chưa có kinh nghiệm nên thường tỏ ra thiếu tự tin. Những người như vậy tôi thường không tuyển vì ứng viên còn không tin vào bản thân thì rất khó thuyết phục người khác tin vào khả năng mình có, từ đó mà hiệu quả công việc sẽ bị giảm”, bà giải thích.
Áp dụng kế hoạch phỏng vấn trên, vào mùa hè năm cuối đại học, tức là một năm sau thất bại, bà Linh đã vượt qua các bài phỏng vấn, được nhiều công ty lớn mời về làm việc. Để làm những việc này không dễ dàng vì kéo dài suốt 4 năm đại học và không nhìn thấy thành quả ngay. “Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có 5% sinh viên ra trường có được một công việc với mức lương hấp dẫn. Nếu muốn nằm trong top 5% đó thì bạn phải phải chấp nhận nỗ lực và cố gắng hơn những người nằm trong số 95% còn lại”, CEO của Vingroup Ventures lý giải.
Theo Thanh Hằng
Báo Vnexpress