GD&TĐ – Đổi mới công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với tuyển dụng, việc làm sau tốt nghiệp là những nội dung quan trọng được nhiều trường nghề tập trung thực hiện.
Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế
Ngoài việc tự đánh giá chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam, một số trường nghề chất lượng cao đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong đó có các trường như CĐ Công Thương miền Trung, trường CĐ Cơ điện Hà Nội…. đã được lựa chọn tham gia đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn Quốc tế như: Theo tiêu chuẩn chất lượng của Anh, Đức.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết: Năm 2018, nhà trường được Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) lựa chọn tham gia kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Anh quốc do Hội đồng Anh hỗ trợ.
Sau 5 ngày kiểm định, thanh tra độc lập của chuyên gia đến từ Anh, nhà trường đã được đánh giá xếp loại tốt so với tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Anh. Với kết quả này, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội là trường đầu tiên của Việt Nam đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của Anh, đây là dấu mốc mang tính lịch sử của nhà trường.
Dự kiến năm 2019, GDNN tuyển sinh 2,26 triệu người. Trong đó, trung cấp và cao đẳng: 560.000 người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1,7 triệu người. Hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn: 950.000 người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20.000 người khuyết tật. Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo là: 2,195 triệu người, trong đó: Cao đẳng và trung cấp: 495.000 người; Sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 1,7 triệu người.
Năm 2019, nhà trường tham gia đào tạo thí điểm theo chương trình của CHLB Đức chuyển giao. Đây là cơ hội tốt để nhà trường ứng dụng công nghệ đào tạo của Đức vào các hoạt động, từ đó thực hiện “đi tắt, đón đầu” theo cách tiếp cận phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tạo sự đột phá trong các khâu tuyển sinh, đào tạo, giám sát và đánh giá của nhà trường.
Xu hướng cạnh tranh trong đào tạo ngày càng mạnh mẽ, vì vậy nhà trường đã xác định mục tiêu, sứ mệnh phát triển rõ ràng, bảo đảm quy mô tuyển sinh hợp lý, đổi mới cách tiếp cận trong tổ chức đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng linh hoạt, chất lượng, hiệu quả và quyết tâm nâng tầm thương hiệu để trở thành trường có uy tín cao với xã hội, người học và doanh nghiệp.
Năm 2019, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội tập trung tuyển sinh học chương trình chất lượng cao, từng bước phấn đấu phát triển chất lượng đào tạo. Cam kết mạnh mẽ với người học và doanh nghiệp về chất lượng, học viên sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng với lương khởi điểm cao.
Giao quyền tự chủ
Năm 2019, Tổng cục GDNN xác định chất lượng GDNN và chất lượng kiểm định GDNN phải được tiến hành bài bản, không chạy theo số lượng mà chú trọng về chất lượng.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: Giao quyền tự chủ cho các trường là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, công tác này sẽ được thực hiện một cách đồng bộ hơn.
Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng các chuẩn điều kiện chất lượng, chuẩn về giáo viên, chuẩn đầu ra, cơ sở vật chất, định mức kinh tế kỹ thuật… Từ đó, các trường có cơ sở để áp dụng, nâng cao chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Năm 2019, ngành tiếp tục triển khai Luật GDNN, tập trung đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GDNN đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; Đổi mới nội dung và phương pháp GDNN;
Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư; Nâng cao chất lượng GDNN, nhất là các trường ngoài công lập; Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; Rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN. Đẩy mạnh tự chủ trong các cơ sở GDNN…
Theo báo giáo dục thời đại