Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ). Theo đó, tuyển sinh của trình độ CĐ được mở rộng thêm đối tượng là người tốt nghiệp THCS, với điều kiện trong quá trình học phải hoàn thiện chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.

 Nhiều lợi ích khi học nghề sớm

Theo thông tư cũ, đối tượng tuyển sinh của trình độ CĐ là học sinh đã tốt nghiệp THPT và tương đương trở lên. Nhưng tại thông tư mới, Bộ LĐ-TB-XH đã bổ sung thêm đối tượng là người tốt nghiệp THCS, với điều kiện trong quá trình học phải hoàn thiện chương trình văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định về các hình thức đăng ký dự tuyển dành cho thí sinh muốn học CĐ, TC, gồm đăng ký trực tiếp vào phiếu đăng ký dự tuyển nộp trực tiếp tại trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc Sở LĐ-TB-XH.

Nói về sự thay đổi này, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường CĐ Công Thương Miền Trung chia sẻ: “Nếu như trước đây, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều luôn có suy nghĩ phải vào một trường THPT nhằm tạo tiền đề để vào ĐH, CĐ thì nay tư duy này sẽ được thay đổi. Thay vì theo tiếp 3 năm THPT, các em có thể chọn cho mình con đường học nghề để sớm tạo dựng nghề nghiệp”.

Theo thầy Quyên, mô hình 9+ (vừa học nghề vừa học văn hóa) đã được các nước như Nhật Bản, Trung Quốc thực hiện lâu nay. Ở Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, một số trường CĐ đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép đào tạo thí điểm chương trình 9+. Mô hình này giúp người học tiết kiệm thời gian so với chương trình hiện tại.

Còn thầy Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Phú Yên cho hay: Đối với học sinh sau tốt nghiệp THCS, thay vì phải học rất nhiều môn không quá cần thiết nếu học THPT, khi học hệ trung cấp 2,5 năm, các em được học ngay chuyên ngành kèm theo một số môn văn hóa bắt buộc thay vì học 11 môn ở bậc THPT, sau khi tốt nghiệp được cấp chứng nhận hoàn chỉnh văn hóa và bằng tốt nghiệp trung cấp nghề chính quy, các em có thể đi làm ngay hoặc học liên thông lên CĐ, ĐH chính quy. Không những thế, hiện nay đối tượng tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nghề được miễn giảm học phí theo quy định.

Một buổi thực hành nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung

Cơ hội làm đúng nghề

Thực tế đào tạo của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay cho thấy, học phí thấp, thời gian thực hành thường chiếm từ 50-70% rất phù hợp với những học sinh “ngán” học văn hóa. Hơn nữa, hầu hết các trường đều cam kết người học có việc làm sau khi tốt nghiệp.

“Các trường nghề không đủ học sinh để giới thiệu cho doanh nghiệp do số lượng tuyển sinh thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng, nhất là lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ… cung không đáp ứng đủ cầu”, thầy Phong nói.

Với những học sinh mà điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có khả năng học tiếp lên THPT thì việc học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS là một sự lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, vì đầu vào học sinh THCS đang ở lứa tuổi khá nhỏ 14-15, có những thay đổi về tâm sinh lý, vì vậy, nếu chương trình đào tạo không linh hoạt, các em sẽ dễ bỏ học.

Theo các trường, để học tốt chương trình này, đòi hỏi người học phải có tính kiên trì vì ngoài thời gian học văn hóa (chương trình phổ thông rút gọn), người học được bố trí các học phần của bậc học TC, CĐ. Mặt khác, thời lượng thực hành, thực tế tại doanh nghiệp được bố trí 50-70% chương trình đào tạo nên người học phải biết quan sát, tự rèn thêm tay nghề, có ý thức kỷ luật cao.

TS Trần Kim Quyên cho hay: Tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học TC, CĐ là nhằm tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Do đó, chương trình đào tạo của trường được xây dựng theo hướng mở, có sự tham gia của doanh nghiệp; bố trí 50% thời lượng của chương trình học tập tại các nhà máy.

Ngoài ra, để đảm bảo được việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, trường đã ký kết toàn diện với 23 doanh nghiệp, tập đoàn và ký kết hợp tác tuyển dụng với hơn 150 doanh nghiệp, tập đoàn. Thêm vào đó, trường cũng tạo nhiều sân chơi bổ ích cho người học như tổ chức cuộc thi tay nghề giỏi, cuộc thi khởi nghiệp, hỗ trợ học sinh, sinh viên làm nghiên cứu khoa học… Chính những điều kiện trên sẽ mở ra nhiều cơ hội, khơi dậy sự đam mê nghề nghiệp cho học sinh thuộc đối tượng này.

Theo Thúy Hằng

Báo Phú Yên online