Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới, hiện HS lớp 12 trên cả nước đang tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo của trường ĐH, CĐ.

Do lựa chọn ngành nghề đào tạo khi đăng ký xét tuyển chính cũng chính là chọn công việc tương lai phù hợp với năng lực và sở thích nên nhiều học sinh và phụ huynh cho rằng không nhất thiết phải vào ĐH bằng mọi giá.

Hiện HS lớp 12 trên cả nước đang tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo của trường ĐH, CĐ.

Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày, Lê Quang Bình, học sinh lớp 12, Trường THPT Gia Viễn C, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đều giành thời gian vào mạng internet, truy cập tới trang thông tin điện tử của các trường đại học, cao đẳng để tìm hiểu về thông tin tuyển sinh. Tới dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2019 tổ chức tại Hà Nội, Quang Bình đã rủ một số bạn cùng lớp tham dự để trực tiếp tìm hiểu thông tin về ngành công nghệ thông tin. Không chỉ tham khảo thông tin tại các trường đại học mà em còn tìm hiểu thông tin của các trường cao đẳng, trường nghề có đào tạo ngành học công nghệ thông tin. Lê Quang Bình nói.

“Em muốn tìm được một trường phù hợp với năng lực của mình để có thể về sau định hướng cho nghề nghiệp tương lai. Về số lượng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và môi trường làm việc cũng như mức lương. Em tìm hiểu là có rất nhiều trường đào tạo về ngành này nhưng mà chỉ có 1 số trường là phù hợp với em thôi. Có thể em sẽ học cao đẳng”– em Lê Quang Bình nói.

Không chỉ Lê Quang Bình mà nhiều học sinh có chung tâm lý chọn ngành học khi đăng ký xét tuyển cũng chính là chọn nghề nghiệp cho tương lai. Vì vậy, các em cũng tìm hiểu nhiều hơn đến các thông tin về ngành đào tạo, môi trường học tập, yêu cầu học tập, mô tả ngành nghề và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp…

“Các trường bố mẹ tư vấn thì không đúng sở thích của em. Em thấy lực học của em cũng không tốt lắm nên em vẫn sẽ chọn các trường phù hợp với khả năng của mình. Mục tiêu của em có thể là các trường cao đẳng sư phạm. Em nghĩ là không nhất thiết phải vào đại học bởi vì nhiều người thành công cũng không từ đại học, nên mỗi người có những con đường khác nhau, phù hợp với lựa chọn của bản thân mình. Em sẽ cố gắng mục tiêu để vào được trường mình yêu thích và ngành nghề mình thích”- Hoàng Thị Hằng, học sinh lớp 12, Trường THPT Hoài Đức A, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội nói.

Theo cán bộ tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng, trường nghề những thay đổi này của thí sinh là điều đáng mừng. Vì các em đã có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp của mình trong tương lai chứ không còn chọn trường, chọn ngành theo bằng cấp như những năm trước đây.

Nắm bắt xu thế này, các trường đều cung cấp cho thí sinh những thông tin mới nhất qua số liệu, hình ảnh, video để học sinh và phụ huynh dễ hình dung, đồng thời giải đáp những băn khoăn về chọn ngành, nghề cho học sinh và phụ huynh. Chị Hoàng Thị Ngọc, ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, sau khi được các cán bộ tuyển sinh tư vấn, chị cũng thay đổi suy nghĩ về việc chọn ngành của con.

“Con thì vẫn thích công nghệ thông tin, mình vẫn theo hướng của con là cho con thi công nghệ thông tin. Thực ra mục tiêu hàng đầu vẫn là đại học, nhưng nếu con không đỗ thì con học cao đẳng đúng ngành của con, để con có nghề của con, con thích chứ không nhất thiết phải đại học, những trường đại học mà học xong ra mình không có định hướng gì cả, sau 5 năm là không có tác dụng gì hết”– chị Hoàng Thị Ngọc chia sẻ

Sự thay đổi của học sinh và phụ huynh về việc chọn ngành, chọn trường cho thấy, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp của xã hội đang có chuyển biến tích cực và việc hướng nghiệp trong các trường phổ thông bước đầu có hiệu quả. Về lâu dài sẽ góp phần giảm tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm như hiện nay.

Theo Minh Hường

VOV