HIV là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể tấn công bất kì ai, lây nhiễm HIV không phân biệt tuổi tác, gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội… Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về bệnh HIV/AIDS để kịp thời phát hiện và chữa trị đúng phương pháp, đồng thời mỗi chúng ta biết cách phòng tránh như thế nào để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng đối với căn bệnh thế kỉ này. 

         Tại Việt Nam, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/1990.(2)

         Vậy HIV và AIDS là gì ?

         HIV (Từ viết tắt của Human Immunodeficiency Vius) virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Khi xâm nhập vào cơ thể HIV sẽ phát triển và phá hủy dần hệ thống miễn dịch, đặc biệt tế bào CD4 (thường được gọi là tế bào T) làm cho cơ thể mất khả năng chống lại bệnh tật (1)

         AIDS (Từ viết tắt của Acquired Immunodeficiency Syndrome) là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do bị nhiễm HIV gây ra, khi mà tế bào miễn dịch CD4 bị phá hủy nghiêm trọng cơ thể sẽ không thể chống lại được các bệnh tật, đặc biệt các nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư. (1)

Hình 1: Virus HIV/AIDS

          Nguyên nhân nào dẫn đến đến tình trạng nhiễm HIV/AIDS?

         HIV lây truyền khi máu hoặc dịch tiết ở cơ quan sinh dục (ví dụ như tinh dịch) bị nhiễm bệnh của người này xâm nhập vào cơ thể người khác. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm HIV. Bạn có thể bị nhiễm HIV thông qua những con đường sau:

          1. Lây truyền qua đường tình dục

– Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể (máu, dịch tiết sinh dục) nhiễm HIV (của người nhiễm HIV) xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV.

– Tất cả các hình thức quan hệ tình dục (dương vật – hậu môn; dương vật – âm đạo; dương vật – miệng) với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ là khác nhau, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn, rồi tiếp đến là qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.(3)

         2. Lây truyền qua đường máu

         HIV có nhiều trong máu toàn phần cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV:

  • Lây truyền HIV từ người này sang người khác qua các dụng cụ xuyên chích qua da như trong các trường hợp sau:
  • Dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy.
  • Dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu,…
  • Dùng chung hoặc dùng khi chưa được tiệt khuẩn đúng cách các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh,… có xuyên cắt qua da.
  • Lây truyền qua các vật dụng có thể dính máu của người khác trong các trường hợp như dùng chung bàn chải đánh răng.
  • Lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây xát.
  • Lây truyền qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép các mô, các tạng,… bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu,… không được tiệt trùng đúng cách.(3)

Hình 2: Phương thức lây truyền HIV/AIDS qua máu

             3. Lây truyền từ mẹ sang con

  • Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể của thai nhi.
  • Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây xát của trẻ trong quá trình đẻ). Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.
  • Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng.(3)

 

Hình 3: Lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con

          Vậy những tiếp xúc nào không lây nhiễm HIV?

  • HIV không lây lan qua không khí, trong thực phẩm :
  • Hôn bình thường như hôn môi, hôn má, hôn trán (không hôn sâu bằng lưỡi)
  • Bắt tay, ngồi gần, uống nước, ăn uống cùng nhau
  • Muỗi, côn trùng đốt
  • Chăm sóc người nhiễm HIV có tuân thủ đầy đủ dự phòng lây nhiễm
  • Dùng chung nhà vệ sinh, đồ dùng thông thường không dính máu của người nhiễm
  • Sống chung với người nhiễm HIV
  • Chơi đùa với trẻ nhiễm HIV (1)

Hình 4: Các con đường HIV/AIDS không lây nhiễm

          Các triệu chứng nào nhận biết nhiễm HIV/AIDS

          Trẻ sinh ra nếu bị nhiễm HIV thường không có triệu chứng rõ ràng sau sinh. Khi trẻ được 2 đến 3 tháng tuổi, chúng có thể bắt đầu biểu hiện những tình trạng như:

  • Tăng cân chậm hay suy dinh dưỡng.
  • Nhiễm trùng nấm có thể gây sang thương ở da kéo dài, gây nấm miệng và cổ họng khiến trẻ biếng ăn vì đau họng.
  • Sốt kéo dài.
  • Sưng đau hạch ở cổ.
  • Bụng chướng, tiêu lỏng kéo dài, nôn ói.
  • Các vấn đề về hệ thần kinh (như co giật, phát triển tâm thần và vận động chậm hơn so với những đứa trẻ khác cùng tuổi).
  • Một đứa trẻ bị nhiễm HIV có xu hướng dễ bị nhiễm trùng nhiều hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ bệnh nặng hơn hay chậm cải thiện hơn những đứa trẻ khác.

         Người lớn bị nhiễm HIV có thể không có triệu chứng tại thời điểm bắt đầu nhiễm bệnh. Có thể mất 5 đến 10 năm để các triệu chứng dần xuất hiện rõ. Trong thời gian này, họ có thể là đối tượng lây virus cho người khác mà không hề hay biết bản thân đã nhiễm HIV. Các triệu chứng như:

  • Sốt nhẹ
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Sưng hạch
  • Ra mồ hôi trộm
  • Đau họng , nhức đầu
  • Phát ban
  • Nôn ói và tiêu chảy
  • Sụt cân dù ăn uống bình thường
  • Ho khan
  • Viêm phổi
  • Móng tay móng chân đổi màu
  • Nhiễm trùng nấm
  • Khó tập trung, hay nhầm lẫn
  • Bệnh herpes (miệng và sinh dục)
  • Dấu hiệu nhiễm HIV ở bàn tay
  • Rối loạn kinh nguyệt thường xuyên

      Vậy cách phòng tránh HIVS/AIDS như thế nào?

  • Tránh nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu bạn hãy:

     + Luôn dùng riêng bơm kim tiêm sạch (mới, chưa qua sử dụng).

     + Không sử dụng chung các dụng cụ pha chế (nước cất, thìa pha thuốc, cốc đun, nước xúc rửa, bơm kim tiêm,…).

     + Tiệt trùng hoặc không sử dụng lại các dụng cụ tiếp xúc với máu (dụng cụ xăm mình , kim châm cứu,..).

     + Bảo vệ người khác bằng cách sử dụng xong bơm kim tiêm, đậy nắp và bỏ vào thùng rác.(1)

  • Tránh nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục bạn hãy:

     + Dùng bao cao su đúng cách trong những lần quan hệ tình dục.

     + Sử dụng chất bôi trơn gốc nước cùng với bao cao su sẽ làm giảm nguy cơ rách bao khi giao hợp ( nhất là giao hợp qua đường hậu môn ) và vì thế tăng độ an toàn cho bạn (1).

  • Tránh nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bạn hãy:

     + Cả ông bố và bà mẹ tương lai đều nên xét nghiệm HIV trước khi quyết định có con.

     + Trong trường hợp bố hoặc mẹ đã bị nhiễm HIV đứa trẻ vẫn có thể được bảo vệ bằng cách sử dụng thuốc dự phòng lây từ mẹ sang con . Hãy nhớ rằng nếu không được can thiệp, nguy cơ nhiễm HIV em bé thể lên đến 30-45%. Có thế giảm thiểu tỷ lệ nhiễm HIV cho em bé xuống còn 2-10% nếu người mẹ nhiễm được dùng thuốc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và được hướng dẫn chăm sóc con đúng cách. (1)

Tài liệu tham khảo :

[1]: https://giaoducgioitinh.online/hiv-aids-va-cach-phong-tranh-bai-hoc

[2]: https://suckhoedoisong.vn/phong-chong-hiv-aids-tai-viet-nam-thach-thuc-va-muc-tieu-169184744.htm

[3]: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/3-con-duong-lay-truyen-cua-virus-hiv