Sốt xuất huyết là một loại bệnh xảy ra phổ biển ở vùng khí hậu nhiệt đới, cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Đến nay cả nước ghi nhận hơn 136.075 ca mắc sốt xuất huyết, 45 người tử vong. So với cùng kỳ 2021 (42.587/14) số mắc tăng gấp 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. (1)

 

Hình 1: Bệnh nhân sốc điều trị tại Khoa cấp cứu – Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

 

Liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, TS Nguyễn Lương Tâm cho biết thêm: Tổ chức y tế thế giới nhận định khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh và ước tính có khoảng 100-400 triệu ca mắc mỗi năm; trong 50 năm qua, số mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần và tăng gấp đôi sau 10 năm. (1)

 

Vậy nguyên nhân sốt xuất huyết là do đâu ?

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra và muỗi vằn (Aedes) là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó đốt sang người lành và truyền virus gây bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11.

 

Hình 2: Muỗi vằn Aedes Aegypti

 

Nguyên nhân gây ra bệnh, đa phần do muỗi vằn Aedes Aegypti màu đen, trên thân và chân có những khoang trắng nên thường được gọi là muỗi vằn. Chúng thường trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn màn,.. Thường đốt người vào ban ngày sau đó đậu, núp vào chỗ tối. Muỗi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước như: bể nước, chum vại, giếng, lốp xe, vỏ dừa, bình hoa,..

 

Hình 3: Nơi cư trú sinh sản của muỗi vằn

 

Vậy đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

 

Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết:

1. Giai đoạn sốt: Đặc trưng của giai đoạn này là sốt cao, đột ngột, đau nhức mình mẩy. Ngoài nghiệm pháp dây thắt dương tính, có thể thấy các nốt xuất huyết dưới da.

2. Giai đoạn nguy hiểm:Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện sau:

– Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.

– Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ)

– Xuất huyết: có thể xuất huyết dưới da, ở niêm mạc hoặc nội tạng.

– Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

– Xét nghiệm huyết học cho thấy hematocrit tăng, tiểu cầu giảm dưới 100 G/L. Siêu âm hoặc X-quang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.

3. Giai đoạn hồi phục: Sau 24-48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch.

– Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.

– Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.

– Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

– Hematocrit trở về bình thường hoặc có thể thấp hơn do hiện tượng pha loãng máu khi dịch được tái hấp thu trở lại.

Vì thế, người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

  • Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
  • Không ăn, uống được.
  • Nôn nhiều.
  • Đau bụng nhiều.
  • Tay chân lạnh, ẩm.
  • Mệt lả, bứt rứt.
  • Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
  • Không tiểu trên 6 giờ.
  • Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
  • Khó thở.

Hình 4: Các giai đoạn lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết Dengue

Qua các biểu hiện trên có thể thấy việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết là điều vô cùng quan trọng, để tích cực phòng bệnh cho bản thân và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp hoặc vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. (2)

Hình 5: Một số cách phòng chống sốt xuất huyết

Tài liệu tham khảo:

(1):  https://suckhoedoisong.vn/ca-nuoc-da-co-136075-ca-mac-sot-xuat-huyet-45-nguoi-tu-vong-16922080208384437.htm

(2): https://vncdc.gov.vn/6-dieu-nen-lam-de-phong-benh-sot-xuat-huyet-nd16957.html